Không chỉ giỏi dệt vải, người Mông còn có kỹ thuật nhuộm chàm khó ai sánh được. Chàm là loại hóa phẩm tự nhiên được nhiều dân tộc sử dụng trong việc nhuộm hấp vải, sợi. Ở vùng núi phía Bắc có rất nhiều giống chàm thuộc họ khác nhau và mỗi dân tộc, mỗi vùng lại quen trồng và sử dụng một loại cây hợp với nhu cầu thẩm mỹ truyền thống của mình.
Với người Mông, cây chàm (tsaoz gang) mà họ chọn thuộc loại thân cây gỗ, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Cây chàm không kén đất, do vậy nó có thể trồng được ở nhiều nơi như vườn gần nhà, trên các mảnh nương, hay xung quanh hàng rào của mỗi gia đình.
Chuẩn bị chàm để nhuộm là công việc vất vả, mất nhiều thời gian và đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Khi thu hoạch, người Mông lựa ra một số cành đem giâm ở nơi đất ẩm, để làm giống cho vụ sau. Toàn bộ thân và lá chàm còn lại được đem ngâm nước trong các thùng gỗ ghép lớn. Chờ cho thân cây và lá chàm mục, nhựa chàm (plêgăngx) tan hết vào trong nước (theo những người nhuộm chàm có kinh nghiệm ở Sa Pa thì thường sau khoảng 2 - 3 ngày, khi thấy nước ngâm chuyển sang màu xanh lá cây rất trong, thi thoảng có sủi bọt), người Mông mới vớt bã ra và cho vôi vào quấy đều lên. Khi dung dịch chàm vôi lắng xuống đáy thùng, người Mông chắt hết nước đi và dùng vải dày lọc khô thành cao chàm.
Thứ cao này đặc quánh, dành để dùng quanh năm, khi nào muốn nhuộm chàm thì chỉ cần lấy một ít cao chàm pha thêm chút rượu, rồi cho vào thùng quấy đều, đến lúc sủi bọt là có thể sử dụng được.
Chỉ riêng kỹ thuật đốt vôi để lắng đọng nhựa chàm cũng đã là một nghệ thuật của người Mông, mà không mấy dân tộc nào có thể làm được. Từ việc chọn nguồn đá, đập đá, đào lò, đốt vôi, pha vôi... tất cả đều được tiến hành một cách tỉ mỉ và theo những nguyên tắc đã được lưu giữ từ nhiều đời nay. Đó không chỉ là những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình sản xuất, mà còn là những nghi lễ mang nặng tính tâm linh. Phải chọn những nhũ đá hoặc tảng đá vôi xốp lỗ chỗ để có vôi chất lượng cao, phải chọn cành củi cứng để có nhiệt độ cao, còn xếp đá phải xếp những khối đá tảng phía đáy lò trước khi xếp những hòn đá nhỏ lên trên để bảo đảm thông khí cho vôi chín đều hơn...
Trong suốt thời gian làm vôi, những người tham gia phải kiêng không được quan hệ vợ chồng. Đặc biệt, phải cẩn trọng để tai nạn lao động không được phép xảy ra, không được để dính bất kỳ giọt máu nào vào các dụng cụ, dù đó là máu do vắt cắn hay là muỗi đốt, vì đồng bào Mông quan niệm nếu giây bất kỳ một giọt máu nào trong quá trình đốt vôi thì cả lò vôi sẽ không chín. Những người phụ nữ mang thai tuyệt đối không được tham gia quá trình đốt vôi này.
“Một thùng nước chàm nhuộm phải là một thùng nước sống, không đơn thuần chỉ là một thùng nước có màu chàm là được. Ngay trong dân tộc Mông cũng có những người cả đời khóc thầm lặng lẽ vì không biết dựng thùng chàm, nên màu áo của họ lúc nào cũng như màu lông quạ chết, khi chưng diện bộ đồ đó đi hội thường chỉ bằng mặt, nhưng trong lòng vẫn nao nao thiếu thốn chỉ vì bộ đồ không được như ý”, một nghệ nhân Mông chia sẻ.
Để có được một thùng nước chàm sống, trước hết người ta phải ủ lá ngải cứu với tro bếp, sau đó cho vào một cái rá lớn có trải một vài lớp vải lanh ở dưới đáy. Rá đựng tro và lá ngải cứu này được đặt cẩn thận trên miệng một thùng gỗ lớn hình tang trống, được ghép tinh vi đến mức có thể đựng nước hàng năm cũng không hề bị rò rỉ...
Tùy thuộc vào số lượng vải cần nhuộm, người ta lấy nước từ những khe núi trên cao trong vắt, lọc qua rá đựng tro và ngải cứu chảy vào thùng, trộn cao chàm với một ít rượu, bóp nhỏ và hòa vào thùng nước, sau đó khuấy thật mạnh dần từ đáy thùng, cho đến khi thùng nước mới sủi đầy bọt thì đậy lại. Cứ đều đặn mỗi ngày, lúc sáng sớm tinh mơ và lúc mặt trời xế bóng, thùng chàm lại được mở ra và tiếp tục quấy đều. Chỉ sau mấy ngày, thì cả thùng nước chàm đã dậy lên một mùi thơm dễ chịu. Để biết có phải thùng nước chàm đã sống rồi hay chưa chỉ cần múc một lượng nước chàm nhỏ trong thùng soi lên ánh sáng, nếu thấy có độ vàng trong và bọt sủi đều thì nước chàm đã sống và có thể bắt đầu dùng để nhuộm.
Cuộc sống gần gũi, hòa quyện với không gian bao la của đất trời đã đem lại cho người Mông những kinh nghiệm và những cách lý giải khác nhau để có thể dựng được một thùng nước chàm thật tốt. Nếu thùng nước chàm được làm vào mùa hè, cần phải đổ thêm nước để chàm không bị nóng quá. Còn với mùa đông, người ta đốt một hòn đá nóng đỏ và bỏ vào thùng để giữ ấm cho chàm. Những kinh nghiệm đó tưởng như của một nền văn minh xa xưa, nhưng thực ra lại là xu hướng của cuộc sống hiện đại, mà con người chúng ta phải hướng tới - xu hướng sống thân thiện với môi trường. Nếu vì một lý do nào đó thùng chàm không sống được, người Mông tự vấn phải chăng mình có nợ nần âm dương và vì lẽ đó, với tấm lòng thành họ thường đốt 3 nén hương cùng 3 mảnh giấy bản để mong tổ tiên giúp cho mình. Một số người khi đã cố gắng nhưng vẫn không thể để cho thùng chàm sống được, lại cho rằng thùng chàm của mình đã bị tà ma ám, họ làm 12 thanh kiếm gỗ bôi than và xâu vào sợi cỏ tranh cuốn quanh miệng thùng rồi khấn đuổi tà ma...
Chuẩn bị được thùng chàm rồi, muốn nhuộm được màu chàm đen như ý, thì trước khi nhuộm, bao giờ người Mông cũng nhúng vải qua nước lã cho vải ngấm đều, rồi mới nhúng vào thùng nước chàm. Mảnh vải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Người Mông thường ngâm vải trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ, sau đó mới vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp. Quy trình đó được lặp đi lặp lại cho đến khi đạt được màu mong muốn mới đem vải đi phơi. Thời gian ngâm cho vải lên nước đen bóng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Gặp kỳ nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần 3 - 4 ngày là có thể nhuộm xong. Nhưng nếu trời mưa, vải phơi lâu khô, khoảng thời gian đó có khi kéo dài tới hàng tháng. Chính vì được nhuộm kỹ như vậy mà màu chàm của người Mông luôn tạo ra một cảm giác tươi mới, rất cuốn hút người nhìn.../.