Ngày càng nhiều du khách tìm đến xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) để tham quan, học tập mô hình, bởi đây là một trong những nơi có nghề trồng và chế biến chè lâu đời thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương. Hơn nữa trong xóm có Hợp tác xã chè Tân Hương với sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn quốc tế UTZ. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, xóm đã đón 4 đoàn khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu.
Chị Tống Thị Kim Thoa, người trực tiếp hướng dẫn đoàn khách người Nhật Bản gồm 50 thành viên đến xóm vào cuối tháng 2 vừa qua cho biết: Họ đi bộ tham quan những nương chè, vào một số nhà để tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm công việc hái thu và chế biến chè. Các thành viên đều tỏ ra rất hứng thú với những gì được chứng kiến. Sau khi thưởng thức chè ngon, họ đã mua khá nhiều sản phẩm chè của chúng tôi.
Cùng với sản phẩm chè ngon nổi tiếng, xóm Cây Thị còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên khá đẹp, lại nằm sát đường Tố Hữu, con đường dẫn vào Khu du lịch hồ Núi Cốc. 3,5km đường giao thông nội xóm đều đã được bê tông hóa sạch đẹp. Cuối năm 2012, xóm Cây Thị đón Bằng công nhận làng nghề chè truyền thống và xây dựng cổng làng khang trang, bề thế với trị giá trên 70 triệu đồng. Từ đó, người dân làm chè được đón nhận khá nhiều sự hỗ trợ về kiến thức, thiết bị chế biến chè, quảng bá sản phẩm, và nhiều đoàn khách tìm đến.
Ngoài xóm Cây Thị nói riêng và Vùng chè đặc sản Tân Cương nói chung, tỉnh ta còn nhiều địa phương khác cũng có sản phẩm chè ngon, phong cảnh đẹp, và đều là những nơi đã có nhiều làng nghề chè được công nhận như Trại Cài, Sông Cầu (Đồng Hỷ); Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương); La Bằng (Đại Từ) hay như Phúc Thuận (Phổ Yên), Tràng Xá (Võ Nhai)… Dưới góc nhìn của một người làm du lịch, ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Khách sạn du lịch Dạ Hương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Thái Nguyên có tiềm năng du lịch làng nghề khá dồi dào, đó sẽ là sản phẩm du lịch quan trọng, một điểm nhấn đáng kể thu hút du khách nếu được đầu tư khai thác bài bản. Các làng nghề khác như mộc mỹ nghệ, mây tre đan, chế biến thực phẩm trên địa bàn cũng có thể là những điểm đến của du khách.
Nhằm khai thác tiềm năng du lịch làng nghề, thời gian gần đây các địa phương và ngành liên quan đã triển khai một số hoạt động nhằm xây dựng mô hình và xúc tiến quảng bá du lịch, điển hình là TP Thái Nguyên. Từ năm 2012, thông qua xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng, thành phố đã lựa chọn 3 xóm điển hình (thuộc các xã: Tân Cương, Phúc Trìu và Quyết Thắng) ở vùng chè đặc sản Tân Cương để tập trung hỗ trợ xây dựng điểm. Các địa phương này đã được đầu tư khá nhiều về hạ tầng giao thông, văn hóa. Người dân được tập huấn kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, được hỗ trợ, khuyến khích chỉnh trang khuôn viên nhà ở, nương chè, vệ sinh môi trường, thành lập các đội văn nghệ… Đến nay đã có 8 hộ đủ điều kiện phục vụ khách lưu trú tại gia. Riêng 8 hộ này đã đón được trên 1.400 lượt khách trong nước đến tham quan, trong đó có hàng trăm du khách ngoại quốc. Qua đó góp phần tăng thu nhập đáng kể cho các hộ dân làng nghề (thông qua dịch vụ lưu trú, ẩm thực, hướng dẫn khách tham quan và bán sản phẩm). Mặt khác, việc đón nhiều du khách đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu chè của các làng nghề, người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc sản xuất sạch và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Sở cũng đang nghiên cứu xây dựng Dự án du lịch cộng đồng, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch vùng chè đặc sản Tân Cương. Đồng thời đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ, phối hợp nhằm phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới./.