Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi nằm giữa 2 thôn Trung Sơn và Bắc Sơn, thuộc xã Xuân Viên (Nghi Xuân). Đây là di tích khảo cổ học nằm gọn trong thung lũng của hệ thống núi Hồng Lĩnh với diện tích khoảng 1 km2 .
Khu vực này là một di tích khảo cổ học quan trọng, ẩn chứa những giá trị lịch sử cần được nghiên cứu, tìm hiểu. Năm 1974, trong quá trình nghiên cứu dấu vết liên quan thời kỳ Hùng Vương ở Nghệ Tĩnh, nhóm nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tình cờ phát hiện nhiều hiện vật đá, gốm, đồng tại đây.
Năm 1976, Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia) đã tổ chức thực hiện khảo sát, khai quật tại Phôi Phối – Bãi Cọi. Quá trình khai quật đã phát hiện nhiều đồ gốm, đồ đá, rìu mài ở lớp trên, công cụ ghè đẽo lớp dưới. Từ những hiện vật khai quật được, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận: đây là một di chỉ khảo cổ học có niên đại hậu kỳ đá mới thuộc nền văn hóa Bàu Tró.
Năm 2009 - 2010, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức đợt khai quật lần thứ 2 tại Phôi Phối – Bãi Cọi, nhiều hiện vật bằng đồ gốm, đồng, sắt, cụm mộ táng, mộ chum, đồ tùy táng... đã được phát lộ.
Năm 2012, Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc thực hiện đợt khai quật lần 3 và phát lộ thêm nhiều mộ chum, mộ nồi, mộ bình… ngoài ra còn có nhiều di vật tùy táng cổ có giá trị bằng các chất liệu đồ đá, sắt, đồng, gốm…
Theo đánh giá, Phôi Phối - Bãi Cọi là di tích bảo lưu các giá trị văn hóa từ hậu kỳ đá mới, văn hóa đồ đồng đến văn hóa Lý - Trần, Lê. Đặc biệt, đây là địa bàn giao thoa, hội tụ của nền văn hóa Đông Sơn (khu vực phía Bắc) và văn hóa Sa Huỳnh (khu vực Nam Trung bộ) - một di tích khảo cổ học hiếm có trong hệ thống di tích khảo cổ học Việt Nam./.