Với chủ đề về Loài và Không gian, Con người và Nơi chốn, báo cáo đưa ra tóm tắt về tình trạng của hệ thống tự nhiên trên trái đất thông qua việc đo lường quần thể các loài hoang dã và Dấu chân Sinh thái – chỉ số về nhu cầu của con người đối với thiên nhiên.
Đa dạng sinh học là một phần trọng yếu của hệ thống duy trì sự sống trên Trái Đất – và là thước đo tác động của con người tới hành tinh, ngôi nhà duy nhất của loài người. Nhưng theo Báo cáo Hành tinh sống 2014, số lượng quần thể của các loài cá, chim, động vật có vú, các loài lưỡng cư và bò sát đã giảm 52% trong vòng 40 năm qua. Tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ đứng sau châu Mỹ La-tinh trong cùng giai đoạn. Những đe dọa lớn nhất đối với sự suy giảm đa dạng sinh học là suy thoái, ô nhiễm môi trường, đánh bắt thuỷ sản thiếu bền vững, săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu.
Trong khi đa dạng sinh học suy giảm, dân số và tỉ lệ tiêu thụ trên đầu người tại châu Á lại gia tăng khiến cho Dấu chân Sinh thái của khu vực vì thế cũng tăng lên. Theo báo cáo, hiện tại, nhu cầu của con người vượt quá 50% khả năng thiên nhiên có thể tái tạo, điều đó có nghĩa rằng chúng ta sẽ cần 1,5 Trái Đất để sản xuất ra các nguồn nguyên liệu cần thiết nhằm đáp ứng Dấu chân Sinh thái hiện tại.
Tuy vậy, các nghiên cứu của báo cáo cũng chỉ ra rằng, chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi vẫn hạn chế được nguồn tài nguyên sử dụng. Báo cáo Hành tinh sống 2014 ghi nhận những ví dụ điển hình của các cộng đồng châu Á đang thực hiện để giảm Dấu chân Sinh thái và phục hồi những suy giảm đa dạng sinh học như: Tại Thượng Hải - Trung Quốc, chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ việc lắp các thiết bị năng lượng mặt trời trên các mái nhà dân sinh và doanh nghiệp; Tại Seoul - Hàn Quốc hơn 1 triệu công dân hưởng ứng hành động “Ngày không lái xe” một ngày trong tuần; Tại Sendai - Nhật Bản cũng thành lập một mạng lưới mua sắm xanh với hơn 90% sản phẩm được mua từ danh sách gợi ý về các sản phẩm xanh…
Báo cáo Hành tinh sống 2014 của WWF cho thấy, tìm ra những giải pháp sáng tạo đối với những vấn đề môi trường tự nhiên không hề dễ, nhưng các thành phố châu Á đã và đang chứng minh rằng điều này hoàn toàn khả thi và châu Á hay tất cả mọi nơi trên thế giới đều có thể duy trì dấu chân sinh thái ở mức không vượt quá khả năng tái tạo của Trái Đất.
Với những kết luận về tình trạng suy giảm các loài trên thế giới, báo cáo có thể coi là cơ sở để các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội thực hiện các cuộc đối thoại, đưa ra quyết định và hành động vào thời điểm quyết định để phục hồi sự cân bằng cho hành tinh. Bằng cách đi theo chương trình bảo tồn, sản xuất và tiêu thụ thông minh của WWF cho một hành tinh xanh, con người có thể đảo ngược lại những xu hướng đã được chỉ ra trong Báo cáo Hành tinh sống 2014.
Hương Lê