Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc, cách Hà Nội chừng 300 km. Nơi đây không chỉ hấp dẫn du khách ở phong cảnh thiên nhiên hữu tình, những con người hồn hậu mà cả những món ăn ngon. Khách đến Hà Giang một lần là nhớ mãi những dấu ấn đặc biệt nơi phố núi này.
Những con đường
Đường ở Hà Giang là những khúc cua tay áo giữa núi đá tai mèo dựng đứng, là những đoạn đường thẳng với hai bên là lúa chín thơm hương. Rồi cũng có khi là những con đường ôm lấy đồi thông hệt như Đà Lạt. Có thể điểm danh những cung đường làm dân du lịch xao xuyến như đèo Bắc Sum, khúc cheo leo lên Phó Bảng... và đặc biệt là con đường Hạnh Phúc, dấu ấn lịch sử của Hà Giang.
Con đường Hạnh Phúc được khởi công xây dựng ngày 10/9/1959 có chiều dài khoảng 200 km. Sau 8 năm thi công, trải qua bao vất vả, khó khăn, con đường đã được thông xe trong niềm vui của người dân Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung. Đó chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của 2.500 con người với những dụng cụ lao động thủ công như búa, xẻng, xà beng. Không chỉ vậy, để có được con đường lịch sử ấy, 14 thanh niên xung phong đã nằm lại tại nơi này. Cho tới nay, con đường Hạnh Phúc không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch mà còn là điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Giang. Đặc biệt, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam là Mã Pí Lèng cũng nằm trên con đường này.
Núi Đôi
Núi Đôi là thắng cảnh nằm tại quốc lộ 4C, thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Du khách ghé qua không khỏi trầm trồ trước một tuyệt tác mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này. Giữa những núi đá trùng điệp là hai trái núi có hình dáng hệt như bộ ngực căng tròn của người thiếu nữ.
Xung quanh núi Đôi là những câu chuyện thuyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Một trong số đó là câu chuyện tình đầy cảm động của nàng tiên Hoa Đào và chàng trai Hmông tuấn tú. Hai người phải lòng, nên vợ chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Nhưng chính vì sự ngăn cản của Ngọc Hoàng mà Hoa Đào đã để lại đôi nhũ của mình nơi hạ giới cho con bú. Tương truyền, nhờ dòng sữa ngọt ngào ấy mà khí hậu nơi đây vô cùng mát mẻ, rau trái luôn xanh tươi.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Những thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì là một trong những ấn tượng không thể bỏ qua khi tới Hà Giang. Cứ mỗi độ thu về, Hoàng Su Phì lại trở thành điểm hẹn của những người yêu du lịch, yêu cái đẹp mặc cho con đường tới nơi đây khá hiểm trở và khó khăn. Với hàng nghìn hecta ruộng bậc thang tuyệt đẹp trải dài khắp thung lũng, Hoàng Su Phì đã được công nhận là di sản quốc gia vào ngày 16/9/2012.
Dinh thự vua Mèo
Nằm tại thung lũng Sà Phìn, dinh thự vua Mèo chính là ngôi nhà quyền lực nhất vùng đất Hà Giang một thời. Công trình có lối kiến trúc nguy nga, bề thế ấy thuộc sở hữu của dòng họ Vương quyền quý và được xây dựng trong vòng 8 năm mới xong. Không chỉ vậy, dinh thự này còn tọa lạc ở vị trí đắc địa, trên vùng đất hình Kim Quy. Toàn bộ cơ ngơi dựa vào một ngọn núi cao đằng sau, còn phía trước mặt là núi Kim Tự Tháp hay còn gọi là núi Mâm Xôi. Do vậy mà khu dinh thự không bị ảnh hưởng trong những năm chiến tranh và được giữ lại gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Dinh thự vua Mèo được xây dựng theo kiến trúc cổ của Trung Quốc, có sự kết hợp giữa kiến trúc của người Mông và người Pháp. Toàn bộ dinh thự có ba cung là tiền cung, trung cung và hậu cung bao gồm 4 tòa nhà ngang và 6 tòa nhà dọc. Khu dinh thực này có tổng 64 phòng ở với gần 100 người sinh sống.
Năm 1993, dinh thự vua Mèo được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Kể từ đó, ngôi nhà đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Hiện nay, người bán vé vào cổng là một cô cháu gái họ xa của vua Mèo.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú chính là điểm đánh dấu cực Bắc tại đỉnh Lũng Cú hay còn gọi núi Rồng (Long Sơn). Mặc dù theo đo đạc, điểm cực Bắc còn cách nơi đây 2 km nữa nhưng với nhiều người Việt Nam, cột cờ Lũng Cú vẫn như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia.
Nằm trên độ cao 1.700m, cột cờ Lũng Cú hiện nay là kết quả sau những lần sửa chữa và xây dựng mới. Theo thiết kế mới này, cột cờ Lũng Cú có hình bát giác giống cột cờ Hà Nội với 8 mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước. Để tới được đỉnh cột cờ, bạn phải vượt qua 389 bậc thang đá và 140 bậc thang xoắn ốc trong lòng cột cờ. Chỉ khi đó bạn mới chạm tay được tới lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 và chiêm ngưỡng được khung cảnh rộng lớn, yên bình xung quanh.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn nằm tại trung tâm thị trấn Đồng Văn, Đồng Văn, Hà Giang. Mặc dù không có quy mô lớn như phố cổ Hà Nội hay Hội An nhưng nơi đây vẫn mang những bản sắc riêng, hấp dẫn du khách.
Phố cổ Đồng Văn có khoảng 40 nóc nhà trên dưới 100 tuổi nằm cạnh nhau dưới chân núi đá. Ban đầu, nơi đây chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống. Do vậy kiến trúc trên mỗi ngôi nhà là sự giao thoa giữa phong cách bản địa và Trung Hoa. Đó là những ngôi nhà hai tầng lớp ngói âm dương hay những chiếc đèn lồng đỏ treo trước hiên. Điều hấp dẫn du khách nhất khi tham quan chính là chợ Đồng Văn. Được xây dựng vào khoảng thời gian 1925 - 1928, đây là công trình có dạng chữ U, mang đậm vẻ đẹp của cao nguyên đá.
Vào ngày 14, 15 và 16 âm lịch hàng tháng, những ngôi nhà cổ tại đây sẽ treo đèn lồng đỏ và tổ chức các hoạt động nghệ thuật như trưng bày thổ cẩm, trình diễn văn nghệ... Ghé thăm phố cổ Đồng Văn những ngày này, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa đậm sắc màu dân tộc.
Chợ phiên
Giống nhiều vùng núi khác, Hà Giang cũng có những phiên chợ hấp dẫn du khách ngang qua. Những phiên chợ ở đây chủ yếu là chợ lùi tức chợ họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần, ví dụ tuần này chợ họp chủ nhật thì tuần sau chợ sẽ họp vào thứ bảy, tiếp theo sẽ là thứ sáu... Có thể kể tên những phiên chợ hấp dẫn như chợ phiên trung tâm huyện Quản Bạ, chợ trung tâm huyện Yên Minh... và đặc biệt là chợ tình Khâu Vai.
Chợ tình Khâu Vai được họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Do chợ là nơi người ta tìm đến nhau sau một năm xa cách nên ban đầu nơi đây gần như không có người mua bán hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có người phục vụ đồ ăn uống. Hiện nay chợ đã phần nào bị thương mại hóa, trở thành nơi bày bán đủ loại sản phẩm.
Hoa tam giác mạch
Những cánh đồng tam giác mạch là nét đặc trưng tại Hà Giang. Vùng đất địa đầu Tổ quốc này như thể khoác màu áo mới mỗi khi mùa hoa tam giác mạch về. Khi mới nở hoa có màu trắng, sau đó phớt hồng và chuyển sang đỏ lúc tàn. Hoa tam giác mạch nhỏ, có cánh chụm lại thành thành hình chóp. Với ba mặt tam giác, loài hoa này giữ một hạt mạch ở trong. Người dân Hà Giang thường lấy bột của quả tam giác mạch làm bánh hay trộn với ngô để nấu rượu. Du khách đến Hà Giang có thể ngắm loại hoa này ở nhiều nơi như chân cột cờ Lũng Cú, Sủng Là, Đồng Văn, Phố Cáo, Ma Lé...
Cháo ấu tẩu
Cái lạnh trên cao nguyên đá khiến người bản xứ mày mò tìm ra món ăn giữ nhiệt mang tên cháo ấu tẩu. Không giống những loại cháo thông thường, cháo ấu tẩu có vị đắng ngắt nơi đầu lưỡi khiến nhiều người phải lắc đầu. Thế nhưng càng ăn, vị đắng ấy càng hấp dẫn lại khiến ai nấy đều muốn ăn mãi không thôi.
Cháo ấu tẩu được nấu từ gạo nếp nương, chân giò lợn và củ ấu tẩu. Củ ấu tẩu mang về rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo một đêm sau đó đem ninh chừng 4 tiếng cho mềm và bở tơi. Sau đó phần ấu tẩu này được trộn cùng gạo và nấu trong nước ninh từ chân giò lợn. Tại một số nơi, ấu tẩu và chân giò lợn được nấu riêng. Khi có khách, chủ quán mới trộn phần cháo trắng và phần chân giò cùng ấu tẩu này lại với nhau.
Ấu tẩu là loại củ có tính độc, được người Mông trồng nhiều trên núi. Loại củ này thường được ngâm rượu để thoa ngoài da trị đau lưng hay nhức xương. Trước đây, củ ấu tẩu được dùng nấu cháo để giải cảm. Sau này cháo mới được cho thêm nhiều loại gia vị khác để trở thành đặc sản nơi cao nguyên đá./.