Bảo tồn 57 nguồn gen quý hiếm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Cập nhật: 24/10/2014
Vườn Quốc gia Tràm Chim – Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới đang được tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bảo tồn, lưu giữ 57 nguồn gen quý hiếm của 8 loại thực vật, 17 loài thủy sản và 32 loài chim nước.
 
Sếu đầu đỏ nhảy múa trên trảng cỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
(Ảnh: Kim Sơn/Báo ảnh Việt Nam)
 
 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển bền vững Vườn Tràm Chim giai đoạn 2013-2020 với tổng kinh phí hơn 207 tỷ đồng.

Trong nguồn vốn đó, kinh phí giám sát, bảo tồn các quần xã thực vật, chim sếu đầu đỏ và các loài chim nước, các sinh cảnh đất ngập nước và điều tra, kiểm kê xây dựng bảng danh mục và bộ tiêu bản các loài động, thực vật, đặc biệt là đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm là hơn 7 tỷ đồng.

Vườn Tràm Chim có kế hoạch giám sát, bảo tồn từ năm 2014-2020 với các hoạt động giám sát diễn biến các quần xã thực vật đặc trưng của Vườn; điều tra, kiểm kê, xây dựng bảng danh lục và tiêu bản các loài thực vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm; nghiên cứu, giám sát thành phần các loài thủy sản; điều tra thành phần các loài thực vật có giá trị dược liệu ở Vườn Tràm Chim.

Các cán bộ, nhân viên của Vườn Tràm Chim cũng đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững các loại thực vật, các loài thủy sản, chim nước…; quy hoạch đầu tư vườn sưu tập thực vật với diện tích 2ha; xây dựng phòng bảo quản và trưng bày tiêu bản động, thực vật; nghiên cứu sự biến đổi của hệ sinh thái trảng cỏ năng, các tác động và đề xuất giải pháp duy trì bảo vệ ổn định hệ sinh thái và kiểm kê sự đa dạng sinh học của Vườn Tràm Chim.

Vườn Quốc gia Tràm Chim hiện có 130 loài thực vật, đặc biệt hiện nay có 8 loại thực vật được vườn ưu tiên bảo tồn như cây gáo vàng, cà giâm, sen, lúa ma (lúa trời), năng kim, ráng gạt nai, dây chọi và cỏ bắc. Đây là các loài thực vật được ghi vào sách đỏ Việt Nam là loài quý hiếm.

Tại Vườn Tràm Chim cũng có 130 loài cá, trong đó có 17 loài quý, hiếm ghi vào sách đỏ Việt Nam và nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá hô, cá còm, cá lóc bông, cá duồng, cá mang rổ, cá ét mọi, duồng bay, ngựa nam, cá lóc, cá thát lát, trê trắng, trê vàng, rô đồng. cá lóc đồng…

Tại vườn còn có 231 loài chim nước với 32 loài quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn như sếu đầu đỏ, ngan cánh trắng, cò thìa, ô tác (công đất, công sấm), đại bàng đen, bồ nông chân xám, cò lạo Ấn Độ, giang sen, cò nhạn…

Để bảo tồn loài sếu – loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam, Vườn Quốc gia Tràm Chim có kế hoạch bổ sung thức ăn cho sếu là lúa. Vườn thực hiện việc bổ sung thức ăn cho sếu vào các tháng cuối mùa khô.

Đặc biệt, Vườn đang xây dựng dự án bảo tồn lúa ma (lúa trời) nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học mang nét đặc trưng điển hình của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười.

Đối với các loài cá nguy cấp, quý, hiếm, Vườn bổ sung một số nguồn gen của các loài như cá hô, cá còm, cá cóc, cá sặt rằn, cá dày.

Mới đây, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã thả hàng chục ngàn con cá dầy (Channa lucius), cá thát lát còm (Notopterus chitala) và cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis) về với thiên nhiên tại vườn, vì mục đích tái tạo nguồn cá quý tại các phân khu. Đây là một giải pháp tái tạo nguồn cá quý bản địa trong kế hoạch tổng thể của Vườn Tràm Chim về bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Nguồn: ThienNhien.Net