Việt Nam đã thành lập được 9/16 khu bảo tồn biển

Cập nhật: 29/10/2014
Các khu bảo tồn gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc.
 

Sáng 21/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá công tác quy hoạch và thành lập khu bảo tồn biển tại Việt Nam, đề xuất kế hoạch giai đoạn 2015-2020.
 

Khu bảo tồn biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển, bảo tồn biển còn có ý nghĩa to lớn đối với nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí và du lịch sinh thái; góp thêm cơ sở pháp lý và cung cấp các công cụ hành chính cho việc đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng Biển Đông mà các nước trong khu vực đang quan tâm.


Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, theo quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010, nước ta sẽ có 16 khu bảo tồn biển. Tới thời điểm này, đã thành lập và hình thành được mạng lưới 9/16 khu bảo tồn biển, gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách cho bảo tồn Biển về cơ bản đã hình thành tương đối đồng bộ, gồm: Luật Thuỷ sản, Luật bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030, Quy hoạch Hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam….


Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành liên quan tổ chức nhiều sự kiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dưới các hình thức đa dạng như: tìm hiểu về đa dạng sinh học biển, tìm hiểu về tiềm năng nguồn lợi tại các khu bảo tồn biển… Bộ cũng đã phối hợp với Chính phủ các nước như Đan Mạch, Mỹ… các tổ chức quốc tế như WB-GEF, IUCN, NOAA,…; và nhận được sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để triển khai công tác bảo tồn biển Việt Nam.


Tuy nhiên, một số quy định tại các văn bản liên quan đến bảo tồn biển còn có sự khác biệt, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển; chưa có quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức và định biên biên chế của ban quản lý khu bảo tồn gây khó khăn cho nhiều địa phương trong việc đề xuất hình thành bộ máy này.

 

Một trong những khó khăn nữa được chỉ ra là kinh phí hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn, theo quy định thì có 3 nguồn (ngân sách nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nguồn thu từ dịch vụ môi trường liên quan đến hoạt động thu phí), nhưng thực tế mới dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước cấp, và nguồn ngân sách cũng còn ít so với nhu cầu.


Hơn nữa, các khu bảo tồn biển thường gắn với những khu vực mà cộng đồng dân cư nghèo, sống chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lợi từ tự nhiên khai thác từ các khu bảo tồn. Trong khi các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho ngư dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển chưa có, gây khó khăn cho công tác bảo tồn.


Bên cạnh việc khắc phục các tồn tại hiện nay, Bộ NN-PTNT cho rằng, thời gian tới cần điều tra, nghiên cứu cập nhật số liệu đề xuất thêm các vùng biển có tiềm năng bảo tồn để quy hoạch thành các khu bảo tồn, bổ sung vào hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam, nhằm tăng diện tích các vùng biển có tiềm năng bảo tồn và quản lý.

 

Nguồn: ThienNhien.Net