Vườn quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích 15.783ha, trong đó diện tích biển chiếm 9.658ha, diện tích các đảo nổi chiếm 6.125ha; bao gồm 1.909 loài động, thực vật, trong đó có 72 loài động vật và 30 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Phía Ðông hòn đảo, sóng biển ầm ầm tung bọt trắng xóa, bụi nước cao hàng chục mét, trong khi đó ở phía Tây khung cảnh lại thanh bình, mặt nước phẳng lặng, êm đềm. Bởi vậy, hòn đảo được ví như một bức tường thành che chắn cho vùng cư dân của huyện đảo Vân Ðồn sinh sống ở phía trong trước những trận cuồng phong của biển cả.
Rừng trên đảo Ba Mùn có nhiều loài động vật quý hiếm như trăn gấm, báo lửa, khỉ vàng, tê tê, tắc kè. Và là nơi có mật độ thú móng guốc nhiều nhất và được coi là khu bảo tồn động vật hoang dã tự nhiên lớn nhất ở vùng Ðông Bắc Việt Nam.
Hệ thực vật ở Ba Mùn vô cùng phong phú, đa dạng với 780 loài thực vật bậc cao, trong đó có những loài gỗ quý như lim xanh, táu mật, kim giao núi đất.
Năm 2010, Ba Mùn trở thành nơi đặt Trung tâm cứu hộ động vật trên biển lớn nhất khu vực Ðông Bắc Việt Nam. Trung tâm này hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều loài động vật hoang dã như gấu, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, nhím, rùa ba vạch... do kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long tịch thu, cứu hộ được từ các vụ buôn bán lậu động vật hoang dã trên biển.
Việc thành lập Trung tâm này cho thấy công tác bảo tồn và phát triển ở Vườn quốc gia Bái Tử Long đang được chú trọng và triển khai một cách có hệ thống.
Rời đảo Ba Mùn, chúng ta đến đảo Trà Ngọ Lớn, đảo đá lớn nhất của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Hòn đảo có cấu tạo địa chất khá đặc biệt, phía Bắc đảo là núi đất, còn phía Nam lại là núi đá vôi với nhiều hang động và thung áng, tạo nên những cảnh quan rất đặc sắc, hấp dẫn. Ngay giữa trung tâm của đảo là thung áng Cái Lim, nơi được đánh giá mang giá trị đặc trưng tiêu biểu nhất cho hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Nguồn dinh dưỡng ở đây chủ yếu là do bùn đất từ trên núi trôi xuống tích tụ mà thành. Vì thế, phải mất hàng trăm năm, thậm chí nghìn năm, đảo Trà Ngọ Lớn mới có được thảm thực vật rừng ngập mặn phong phú như hiện nay.
Ði sâu vào trong thung áng Cái Lim, nơi mà các nhà khoa học đánh giá là có nhiều hình thái thảm thực vật “độc nhất vô nhị” so với các khu rừng ngập mặn khác ở Việt Nam, chúng ta phải vượt qua khu rừng trúc xanh mướt, dày đặc mới tới được khu rừng cây tra biển. Những cây tra biển mọc chen nhau, nối tiếp nhiều thế hệ, cây con nhỏ xíu mọc chen chân với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Ngoài cây tra, ở đây còn có những cây giá biển hàng trăm năm tuổi, đường kính đến bốn người ôm không xuể. Càng đi sâu vào trong thung áng, chúng ta càng phát hiện ra vô số điều kỳ lạ.
Rời thung áng Cái Lim, chúng ta tiếp tục lướt sóng qua các “ma trận” lạch biển được tạo ra từ hàng nghìn đảo lớn nhỏ trong khu vực của Vườn.
Quần thể san hô trong Vườn quốc gia Bái Tử Long là một hệ sinh thái biển quan trọng và cũng không kém phần đặc sắc về quy mô, kích thước. Hai địa điểm trong Vườn có thể tổ chức xem san hô đẹp nhất là Mang Khơi và Ðầu Cào.
Để bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị sinh thái, cảnh quan đặc biệt của Vườn quốc gia Bái Tử Long, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân, cũng như tích cực nghiên cứu, tìm kiếm phương hướng phát triển các loại hình du lịch phù hợp để “kho báu” đầy tiềm năng này không bị lãng quên giữa trùng khơi./.