Vừa qua, nhằm góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, nhất là trước xu hướng gia tăng các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản nhằm vào du khách nước ngoài, Công an quận 1, TP HCM đã chỉ đạo Công an các phường, các đơn vị nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát tình hình trên địa bàn.
Cảnh sát Anh phát tờ rơi cảnh báo các tệ nạn xã hội cho du khách ở nhà ga.
Song song với những việc này, Công an quận 1 còn đưa ra sáng kiến tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi cảnh báo cho du khách nước ngoài, và Công an phường Phạm Ngũ Lão đã tiến hành thí điểm với nội dung gồm những lời khuyên hữu ích để du khách bảo vệ tư trang, tài sản cùng các địa chỉ, số điện thoại cần thiết nếu gặp sự cố. Đây là việc làm đúng đắn, có tính đột phá trong việc giữ gìn an ninh trật tự chung…
Thật ra, việc phát tờ rơi cảnh báo du khách trước những tệ nạn cướp giật, lừa đảo không phải là mới vì nhiều quốc gia trên thế giới đã và vẫn đang tiến hành. Năm 2012, khi đi viết bài về những cô gái người Việt bị lừa sang Kuala Lumpur, Malaysia để bán dâm, tối hôm ấy lúc đi bộ trên đường Alor - là một trong hai "phố ăn đêm" nổi tiếng - đến khách sạn Casanova, nơi tương đối vắng vẻ thì một viên cảnh sát thấy tôi khoác chiếc máy ảnh Canon lủng lẳng bên hông, đã bước đến đưa tôi một tờ rơi kèm theo lời dặn dò: "Hãy cẩn thận, nên đeo máy ảnh trước ngực hoặc bỏ vào túi".
Ngay cả Paris, nơi được mệnh danh là "kinh đô của ánh sáng", cảnh sát cũng phát tờ rơi - thậm chí là cả bản đồ du lịch cho khách nước ngoài để họ dễ dàng nhận được sự hỗ trợ lúc cần thiết. Ở London, Anh, tờ rơi nhận thức an toàn du lịch vẫn thường được cảnh sát ở các sân bay, nhà ga, bến tàu đưa tận tay cho những người mới đến nước Anh lần đầu…
Thế nên, việc phát tờ rơi do Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 tiến hành là việc bình thường, thể hiện trách nhiệm với du khách đồng thời cũng là một trong những nỗ lực phát triển ngành du lịch, hướng đến một môi trường du lịch an toàn hơn. Nhất là mới đây, Sở Du lịch TP HCM vừa được thành lập từ việc tách khỏi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có những ý kiến trái chiều khá gay gắt, thậm chí suy đoán theo hướng "tờ rơi đã bôi xấu hình ảnh thành phố" vì nội dung tờ rơi có đoạn: "Các hành vi tội phạm bạo lực xảy ra thường xuyên tại TP HCM. Hãy giữ chặt túi xách bên mình, tránh đeo trang sức đắt tiền và không quá phô trương khi chụp ảnh bằng máy ảnh hoặc điện thoại", và: "Đừng tin vào đồng hồ công-tơ-mét trên taxi. Đây là hành động móc túi hành khách một cách trắng trợn của lái xe không trung thực. Hãy lựa chọn các hãng taxi đáng tin cậy như V hoặc M".
Tạm chưa nói đến câu chữ, cú pháp, văn phạm tiếng Anh trong tờ rơi chưa thật chuẩn xác, có thể dẫn tới hiểu lầm hoặc lo lắng cho những người dự định du lịch đến Việt Nam, hoặc nêu tên hai hãng taxi như một cách quảng cáo, thì có ý kiến phản biện đã sử dụng nội dung tờ rơi này để quy nạp thành một vấn đề mang tính tổng thể. Họ cho rằng Công an TP HCM là lực lượng rất hùng hậu nhưng sao tình hình "vẫn tồi tệ, không được cải thiện?"...
Thực tế, đây là một quy nạp rất khiên cưỡng vì chẳng lẽ Lực lượng Công an TP HCM chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ cho khách du lịch hay sao? Còn cháy nhà, tai nạn giao thông, hàng gian hàng giả, ô nhiễm môi trường, buôn lậu, "xã hội đen" bảo kê, đâm thuê chém mướn, giết người, hiếp dâm, và một số thủ tục, giấy tờ hành chính như hộ khẩu, chứng minh nhân dân… thì cứ mặc kệ?
Thử nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, nơi được mệnh danh là "thiên đường du lịch Đông Nam Á", các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên cảnh báo du khách về những tệ nạn như cướp bóc, hãm hiếp, lừa đảo mà vụ giết đôi thanh niên nam nữ người Anh mới đây là một điển hình, nhưng lượng khách nước ngoài đến Thái Lan không vì thế mà giảm bớt bởi lẽ những cảnh báo ấy được sự đồng thuận và ủng hộ của đa số người dân.
Lẽ ra, trước việc làm đầy trách nhiệm và dũng cảm của Công an phường Phạm Ngũ Lão, nếu nhìn thấy những thiếu sót thì nên đóng góp ý kiến nhằm giúp Cơ quan Công an hoàn thiện hơn để khách nước ngoài khi đọc nội dung tờ rơi, sẽ yên tâm vì họ biết họ đang được bảo vệ.
Anh Morris, một khách du lịch người Anh khi đang đứng đợi xe đi Nha Trang trước văn phòng của Hãng Phương Trang trên đường Phạm Ngũ Lão đã cho chúng tôi biết cảm tưởng của anh sau khi đọc tờ rơi này bằng một câu ngạn ngữ đậm chất "Ăng lê": "Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Biết trước vẫn tốt hơn chứ". Bà Angela Foster, du khách người Canada nói: "Tệ nạn cướp giật, nói thách, lừa gạt không chỉ xảy ra ở TP HCM, mà còn là hiện tượng phổ biến ở rất nhiều quốc gia trên thế giới có ngành du lịch phát triển…", rồi bà kể cho chúng tôi nghe về việc đã bị giật mất chiếc đồng hồ đeo tay - là vật kỷ niệm 40 năm ngày cưới mà chồng bà tặng bà khi bà đi du lịch ở thành phố Bogota, Colombia.
Bà nói: "Theo tôi, những tờ rơi cảnh báo như Công an Việt Nam đã làm, rất cần cho du khách - nhất là những người mới đến Việt Nam lần đầu. Nó giúp chúng tôi ý thức hơn trong việc tự bảo vệ tài sản, đồng thời biết cách liên lạc nhanh chóng với chính quyền nếu sự cố xảy ra".
Thế nhưng, việc làm đầy thiện chí và trách nhiệm của Công an phường Phạm Ngũ Lão đã nhanh chóng bị ngưng lại. Ngày 29/10, Trung tá Nguyễn Văn Phước - Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết, việc phát tờ rơi cảnh báo cướp giật cho du khách nước ngoài đã tạm dừng để chờ ý kiến của Công an TP HCM mà nguyên nhân được cho là đã có một số ý kiến trái chiều xung quanh việc làm này.
Theo Trung tá Phước, việc phát tờ rơi là nhằm nhắc nhở du khách nước ngoài cần cẩn thận hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình ở những nơi công cộng. Trung tá Phước nói: "Đã có nhiều khách nước ngoài bị giật đồ, cướp tài sản khi đi lại ở trung tâm thành phố. Công an phường thường xuyên nhắc nhở phải cẩn thận nhưng không xuể. Bằng việc phát tờ rơi, chúng tôi hy vọng người nước ngoài sẽ hiểu và đề phòng hơn khi ra đường".
Bên cạnh bản tiếng Anh, tờ rơi còn được in bằng tiếng Việt, phát cho những hộ kinh doanh ở phường Phạm Ngũ Lão để họ thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở khách du lịch.
Nhận định về việc làm này, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: "Việc ở TP HCM cho phát tờ rơi, cảnh báo một số điều với du khách là nhằm để du khách chia sẻ những tồn tại, khó khăn với chúng ta, để trong thời gian họ du lịch ở Việt Nam tránh được những điều đáng tiếc. Đó là điều cần làm, như một số quốc gia - kể cả các quốc gia phát triển - đã làm. TP HCM từng đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực và việc làm lần này cũng vậy..."