Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của khí lạnh tăng cường, biển động, sóng biển dâng cao tấp mạnh vào bờ đã làm sạt lở nghiêm trọng nhiều bờ biển tại các tỉnh miền Trung.
Tại Phú Yên, từ tối 17 đến sáng 18/11, triều cường lại xuất hiện tại xóm Rớ, khu phố 4, phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa. Tuy không thiệt hại về người, nhưng sóng biển tiếp tục xâm thực vào đất liền từ 3-5m, đánh sập hơn 30m kè chắn sóng bằng đá hộc, nhà vệ sinh và bọng giếng xi măng của cơ sở chế biến cá Đại Nam.
Theo người dân xóm Rớ, với cường độ gió, sóng biển như hiện nay, khả năng triều cường sẽ còn tiếp tục, có thể đánh sập, cuốn trôi nhiều đoạn kè chắn sóng khác, uy hiếp các hộ dân sống ven biển.
Trước đó, từ tối 12 đến rạng sáng 13/10, triều cường cũng đã xuất hiện tại xóm Rớ với những cột sóng cao từ 3-4m, đánh sập toàn bộ nhà anh Trương Tấn Hùng, làm sập tường hàng chục nhà dân ven bờ biển và 1 cơ sở sản xuất tôm giống; gần 200m đường Đinh Tiên Hoàng bị cát biển bồi lấp dày hơn 50cm, gây khó khăn cho các phương tiện vận tải đến bến cá Đông Tác, nơi có khoảng 300 tàu thuyền câu cá ngừ đại dương của ngư dân hoạt động.
Từ năm 2003 đến nay, năm nào xóm Rớ cũng bị triều cường và nước biển xâm thực vào đất liền khoảng 300m, uy hiếp cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Trước tình hình trên, tháng 8/2013, tỉnh Phú Yên đã đầu tư 12 tỷ đồng thi công kè xóm Rớ dài 690m nhằm bảo vệ trước mắt cho 180 hộ dân đang sinh sống gần bờ biển. Tuy nhiên, từ mùa mưa năm 2013 đến nay, đoạn kè trên liên tục bị sóng biển, triều cường uy hiếp gây sạt lở trở lại.
Ban Quản lý dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh đã lập dự án Kè chống xói lở ven biển khu vực xóm Rớ dài 1.200m theo hướng kiên cố với tổng mức đầu tư hơn 185 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ tỉnh Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.
Tại Quảng Nam, thời gian qua, nước biển tiếp tục xâm thực nghiêm trọng vào bãi biển Cửa Đại, TP. Hội An. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch đang triển khai nhiều biện pháp chắn sóng tạm thời.
Theo phản ánh của người dân phường Cửa Đại, chỉ trong một thời gian ngắn nước biển đã xâm thực sâu vào đất liền kéo dài hơn 700m dọc bãi tắm Cửa Đại. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất là từ bãi tắm Cửa Đại đến các khách sạn: Hội An Beach, Victoria, Golden Sand và Sunrise…, có đoạn biển lấn sâu vào đất liền đến hơn 30m, làm sập nhiều công trình của các khách sạn, cây xanh đổ sụp xuống biển.
Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Nam đã chi ngân sách 10 tỷ đồng để tiến hành xây kè chắn sóng. UBND TP. Hội An cũng huy động lực lượng phối hợp với các đơn vị khách sạn du lịch dùng bao cát, đóng cọc và đổ đá hộc chắn sóng nhằm giảm bớt tốc độ nước biển xâm thực vào đất liền. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Theo UBND TP. Hội An, tình trạng xâm thực bờ biển Cửa Đại đã diễn ra nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều phương án để khắc phục, tuy nhiên sóng biển vẫn không ngừng xâm thực vào đất liền với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Về lâu dài, cần tiến hành khảo sát toàn diện tình trạng xói lở, nghiên cứu kỹ dòng hải lưu, tốc độ dòng chảy… để xây dựng các loại kè phù hợp.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hội An và các sở, ngành chuẩn bị tổ chức hội thảo “Đề xuất giải pháp khoa học công nghệ nhằm phòng chống sạt lở bờ biển phục vụ du lịch và phát triển bền vững” khu vực Cửa Đại.
Qua hội thảo, UBND tỉnh Quảng Nam mong muốn các chuyên gia sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở bờ biển Cửa Đại theo hướng bền vững và phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ tại khu vực.
Thế Phong