Khám phá 4 làng nghề hấp dẫn nhất Phan Thiết

Cập nhật: 26/11/2014
Nếu chỉ đến Phan Thiết để ngắm cảnh, nghỉ dưỡng, vài lần bạn sẽ cảm thấy chẳng còn gì khám phá. Bạn có thể làm mới chuyến đi của mình bằng tour tham quan 4 làng nghề nổi tiếng Phan Thiết: nước mắm, dông, tranh cát, bánh kẹo.
Phan Thiết có vô vàn đặc sản, sẽ thật thú vị nếu bạn có dịp ghé thăm, tiếp cận cách thức người dân nơi đây tạo ra các đặc sản như: nước mắm, các món ngon từ dông đất, cốm sữa, tranh cát…

Xưởng nước mắm

Nước mắm và nghề làm nước mắm gắn bó với người dân Phan Thiết từ những ngày đầu lập địa và đến tận bây giờ nó vẫn là một trong những nghề thủ công lâu đời nhất tại đây. Phổ biến đến độ, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những sân mắm, những thùng lều cao nghều trải dài… cảm nhận vị mặn chát của muối, hương đặc trưng của cá, mắm khi vừa bước đến ngưỡng cửa Phan Thiết, đặc biệt là những ngày mùa.

 

 

Sau mỗi chuyến ghé thăm Phan Thiết, những chai nước mắm sóng sánh, thơm nức là món quà không thể thiếu mà bạn bè gần xa mang về. Tuy vậy, có một điều mà không phải du khách nào cũng biết đó là sẽ rất thú vị nếu bạn dành ít thời gian để tận mắt chứng kiến những sân mắm trải dài miên man, được quan sát, nghe lý giải về quy trình làm mắm và đương nhiên là nếm “tận gốc” hương vị ngon tuyệt.

Mách nhỏ với bạn là người dân địa phương vô cùng thân thiện và hiếu khách vì vậy ngoài những xưởng sản xuất nước mắm được quy hoạch bài bản như Con cá vàng, Hiệp Thành, Minh Hoa, Yến Nhi… bạn đừng ngần ngại nếu muốn vào thăm sân mắm của các cơ sở sản xuất tư nhân, hay nhà dân.

Trại nuôi dông đất

Ngoài nước mắm, hải sản… xứ sở cát nóng Bình Thuận còn nổi tiếng với những món đặc sản từ dông. Dông có thể chế biến thành nhiều món ngon như gỏi, nướng sả ớt, rô-ti, hấp, chả dông, cháo dông… mà bạn có thể thưởng thức ở hầu hết các quán ăn đặc sản địa phương.

Ngày nay, khi mà nhu cầu về đặc sản này càng lớn, những dân xứ cát nóng đã tìm ra cách nuôi dưỡng, thuần hóa dông sinh sản trong môi trường nuôi nhốt thay cho săn bắt tự nhiên. Những trang trại nuôi dông thường tập trung ở khu vực dọc Mũi Né, nơi có điều kiện tự nhiên đặc thù.

 

 

Đến đây bạn có thể tham quan trang trại nuôi dông, quan sát môi trường sống, tập tính sinh hoạt, cách thức chăm sóc, thu hoạch… thậm chí nếu muốn bạn cũng có thể cùng những tay “sát dông” rong ruổi trên những bài cát vàng nóng bỏng để học cách quan sát, nhận biết chỗ trú ẩn và cả cách săn dông.

Xưởng làm bánh rế, cốm sữa

Bánh rế, bánh cốm sữa… là một trong những loại đặc sản thường được du khách mua về làm quà khi có dịp ghé qua Phan Thiết.

Gọi là bánh rế là vì hình dáng chiếc bánh được quấn kết như chiếc rế tre lót nồi. Bánh rế được làm rất đơn giản bằng cách lợi dụng dầu nóng, đường mà kết dính những sợi khoai lang, khoai mì thành hình những chiếc rế nhỏ chồng lên nhau. Để bánh trông hấp dẫn và thơm ngon hơn người ta thường rắc thêm mè rang trên mặt khi vừa vớt bánh khỏi chảo.

Những chiếc bánh rế rôm rốp, giòn tan trong miệng hơi dính răng một chút nhưng sẽ là món quà ngọt ngon tuyệt khi được dùng chung với nước trà vào những ngày trời mát.

 

 

Không chỉ có bánh rế, bánh cốm hộc hay còn gọi là cốm sữa cũng là thứ quà quê đặc trưng của vùng biển Phan Thiết. Nó không chỉ là món quà biếu Tết quen thuộc của địa phương mà đã thành thức quà quen nhiều người tìm mua về khi có dịp đến Phan Thiết.

Vì là những đặc sản thông dụng nên bạn có thể tìm mua bánh rế, cốm sữa ở hầu hết các cửa hàng đặc sản, chợ nào tại Phan Thiết. Còn nếu muốn tận mắt xem công đoạn chế biến các loại bánh này, bạn có thể ghé đến các cửa hàng bán đặc sản Phan Thiết trên đường Trưng Trắc.

Tranh cát

Hai năm trở lại đây, du khách đến Phan Thiết còn có một địa danh tham quan mới ngoài những nơi quen thuộc như Mũi Né, Đồi Cát, Hòn Rơm… Đó chính là xưởng sản xuất những tác phẩm nghệ thuật từ tranh cát Phi Long.

Nằm trong con hẻm nhỏ trên trục đường ra Mũi Né (444 đường Thủ Khoa Huân, phường Thanh Hải) là xưởng sản xuất và trưng bày các sản phẩm nghệ thuật từ hàng chục loại cát tự nhiên. Đến đây, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên trước một thế giới đầy mê hoặc của những bức tranh cát tuyệt đẹp, đồng thời cảm phục trước tài hoa của những người thợ trẻ khuyết tật và người thầy đặc biệt Phi Long.

Có chứng kiến một buổi làm tranh cát của những người nghệ sĩ kém may mắn ở xưởng tranh Phi Long mới thấy được hết tài năng và lòng yêu nghề của họ. Từ những hạt cát vô tri, qua óc sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật, hàng trăm tác phẩm với đủ kích cỡ (từ 5-10mm đến những bức tranh kích thước “khủng” lên đến 2mx1m), với đủ hình dáng (oval, tròn, dẹp, tranh ly, tranh treo tường, tranh cắm hoa…), chủ đề (chân dung, tôn giáo, phong cảnh, nghệ thuật…) đã ra đời.


Sức lan tỏa từ tính nhân văn đã giúp tranh cát Phi Long tìm gặp được nhiều tấm lòng vàng khi ngày càng có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Bởi đó không chỉ là một nơi dạy nghề, một cơ sở kinh doanh thông thường mà còn là ngôi nhà mơ ước của những tâm hồn luôn hướng đến cái đẹp./.

 

Nguồn: phunuonline.com.vn