Sáng 24/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Cơ quan phát triển Hoa Kỳ, Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế tổ chức hội thảo “Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Bài học từ tiểu vùng sông Mê Kông”.
Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, các hệ sinh thái rừng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, cung cấp sản phẩm sử dụng trực tiếp đối với đời sống và kinh tế của người dân toàn cầu. Đặc biệt là các dịch vụ môi trường do các hệ sinh thái rừng tạo ra như duy trì và điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học…
Trên cơ sở so sánh các bài học kinh nghiệm về chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam, các đại biểu đưa ra các khuyến nghị về chính sách hỗ trợ cộng đồng người dân tham gia phát triển và bảo vệ rừng; nâng cao đời sống người dân sống dựa vào nghề rừng; đồng thời đề xuất các giải pháp trong việc hoạch định chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu và chống suy thoái rừng…
Ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nêu rõ: Việc triển khai Nghị định 99 của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng đem lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội, sự ủng hộ của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và người dân sống dựa vào nghề rừng.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ chế rất quan trọng để tạo nguồn tài chính bền vững trong việc bảo tồn và phát triển rừng, đảm bảo sự công bằng giữa người trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng với các đơn vị, cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ từ rừng.
Ông Hải nêu rõ: Hiện nay chúng ta đã triển khai được 3 trong tổng số 5 dịch vụ về chi trả môi trường rừng gồm dịch vụ về điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, dịch vụ du lịch và cảnh quan. Chính sách khi triển khai được toàn xã hội ủng hộ. Nhờ chính sách này hằng năm chúng ta thu được 1.200 tỷ đồng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ từ rừng.
Thuận lợi cơ bản trong triển khai chính sách đó là chúng ta đã có hành lang pháp lý là Nghị định 99 của Chính phủ.