Quảng Nam: Kỷ niệm 15 năm Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới

Cập nhật: 04/12/2014
Chiều 2/12, tại Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), UBND huyện Duy Xuyên tổ chức kỷ niệm 15 năm Ngày khu Đền tháp Mỹ Sơn được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

 

Tham dự buổi Lễ có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa; đại diện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành miền Trung; đông đảo cán bộ làm công tác bảo tồn văn hóa tỉnh Quảng Nam và các di tích văn hóa khu vực miền Trung…
 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Công Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định, việc tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco vinh danh khu Đền tháp Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 4/12/1999 tại phiên học lần thứ 23 tổ chức tại TP Mararakech, Vương quốc Ma Rốc là sự khẳng định những giá trị đỉnh cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nền văn minh Chămpa từng phát triển rực rỡ trong lịch sử nhân loại. 


Đây là niềm tự hào lớn lao của nhân dân cả nước nói chung, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên nói riêng. Danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đã mở ra cho huyện Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam những cơ hội to lớn trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị độc đáo của di sản này.


Nhìn lại 15 năm sau ngày khu Đền tháp Mỹ Sơn được Unesco vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, chính quyền và nhân dân huyện Duy Xuyên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu cùng các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế, bạn bè trong nước và nước ngoài bắt tay thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhằm bảo tồn tốt nhất các giá trị gốc của khu di tích, trên cơ sở các Hiến chương Quốc tế về bảo tồn và trùng tu, Công ước Di sản thế giới và Luật Di sản văn hóa Việt Nam.


Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của khu Di sản trong 15 năm qua đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó đã tập trung triển khai một số hạng mục trong quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu Đền tháp Mỹ Sơn thep Quyết định 1915/QĐ-TTg, ngày 30/12/2008 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học; cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn trùng tu di tích, nghiên cứu khoa học bảo tồn cảnh quang thiên nhiên toàn bộ vùng lõi và vùng đệm bảo vệ khu di tích; đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.


Nhiều dự án về phát triển du lịch đã góp phần vào thay đổi diện mạo Mỹ Sơn, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội đối với đời sống của nhân dân địa phương, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, trong 15 năm qua đã có trên 2,3 triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu Di tích Mỹ Sơn. Trong đó có trên 1,6 triệu lượt khách quốc tế và gần 700 ngàn lượt khách nội địa. Tổng doanh thu từ du lịch trên 132 tỷ đồng, góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích và chuẩn bị các điều kiện để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch trong những năm tới.


Tại buổi Lễ, đại diện Ban Quản lý Di tích Mỹ Sơn cũng đã báo cáo kết quả công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy các giá trị Di sản của Mỹ Sơn; đồng thời gửi lời tri ân đến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đã luôn quan tâm đồng hành và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ Ban Quản lý để trùng tu, phát huy Di sản này.


Ban Quản lý Di tích Mỹ Sơn cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhiều vấn đề có liên quan đến nghiệp vụ và nhiệm vụ quản lý, giữ gìn, bảo quản và phát huy giá trị Di sản Mỹ Sơn.


Dịp này, UBND huyện Duy Xuyên cũng đã tặng nhiều Bằng khen, giấy khen cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy di tích Di sản Mỹ Sơn./.

 

Nguồn: ĐCSVN