Tọa đàm ''Bàn về giải pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử TP.HCM''

Cập nhật: 08/12/2014
Ngày 05/12, nhân kỷ niệm 01 năm ngày UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại Bảo tàng TP.HCM, Sở VHTTDL đã kết hợp với Trung tâm văn hóa và CLB Đờn ca tài tử TP.HCM tổ chức tọa đàm “Bàn về giải pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử”.


 

Biểu diễn Đờn ca tài tử. Ảnh: internet
 

Loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời trên nền vững chắc của dòng âm nhạc dân gian Nam Bộ và trở thành một bộ phận của nền âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam. Không những thế, Đờn ca tài tử lại là một loại âm nhạc “kén” người nghe vào bậc nhất, nhì. Muốn nghe Đờn ca tài tử để cảm nhận được cái hay thì cũng cần những hiểu biết nhất định. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển dựa trên quan điểm có chọn lọc, khôi phục, kế thừa là một việc làm vô cùng cần thiết.


Tại buổi tọa đàm, các tham luận và ý kiến chủ yếu tập trung đến công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử thông qua việc giảng dạy, truyền bá, đặc biệt là ở các trường học.

Được biết, sau 1 năm UNESCO công nhận đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, TP.HCM đã không ngừng nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 300 Câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử với trên 3000 nghệ nhân, soạn giả, các nhà nghiên cứu… duy trì sinh hoạt
Đờn ca tài tử thường xuyên.

Tuy nhiên, một hạn chế và cũng là khó khăn cho công tác bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này là chưa có sự thống nhất về chương trình dạy căn bản, nâng cao, về bài bản, phong cách đờn ca cũng như kiến thức văn hóa lịch sử liên quan. Ngày càng ít người trẻ chịu khó học hỏi ngón đờn hay, đặc biệt là chịu học đàn dân tộc, kìm, tranh, bầu…

Chính vì thế, việc đưa nhạc dân tộc vào các trường học cần phải có sự linh hoạt, qua nhiều kênh, để người học tiếp cận từ từ từng bài bản một, trong các trường cũng nên triển khai các Câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử, đầu tư kinh phí cho nhạc cụ, chuyên môn cho người dạy, giáo án dạy phải được thẩm định qua một hội đồng nghệ thuật, tuyển chọn những bài bản căn bản nhất…

Buổi tọa đàm là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tâm huyết trao đổi thông tin trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình đờn ca tài tử. Qua đó đi đến thống nhất ở cùng một điểm: Vấn đề truyền nghề, giảng dạy nghệ thuật đờn ca tài tử trước hết vẫn phụ thuộc vào cái tâm, tầm, trình độ, ngón nghề của người thầy.

Nguồn: Cinet