Báo Anh The Guardian vừa đăng tải bài báo của phóng viên tự do Elisabeth Rosen sống tại Hà Nội về dự án làm cáp treo đe dọa môi trường hoang sơ của hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.
Ngay sau khi đăng tải ngày 3-12, đến nay bài viết đã được 2.579 lượt chia sẻ lên các trang mạng xã hội cho thấy sự quan tâm của độc giả nước ngoài về tương lai của hang Sơn Đoòng.
Theo bài báo, trong tháng 10-2014, chính quyền địa phương cho biết tập đoàn Sun Group có kế hoạch làm dự án cáp treo khoảng 212 triệu USD vào khu vực hang Sơn Đoòng. Cáp treo này có tổng chiều dài dự kiến 10,6km và có thể chở được khoảng 1.000 du khách vào thăm hang mỗi giờ.
Sun Group đưa ra các lý do khẳng định phương tiện cáp treo này “thân thiện với môi trường, thu hút du lịch, đưa Quảng Bình trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động” nhưng thực tế dự án này không được dư luận đồng tình và các chuyên gia hang động nói các lý do trên chỉ là ngụy biện.
“Dự án cáp treo sẽ tàn phá môi trường hoang sơ hang Sơn Đoòng” - nhà thám hiểm hang động người Anh Andy McKenzie, một trong những người đầu tiên khám phá hang Sơn Đoòng - bày tỏ lo ngại.
Còn theo chuyên gia địa chất Vũ Lê Phương, làm việc tại Viện Địa chất và Địa vật lý biển thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc thi công các trụ đỡ cáp treo sẽ gây ra chấn động dẫn tới phá vỡ trần hang, phát vỡ hệ sinh thái mong manh tại khu vực có cấu trúc địa chất không bền vững, báo Anh Guardian trích đăng.
Tác giả bài báo Elisabeth Rosen dẫn chứng vấn đề môi trường tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) để có góc nhìn khách quan khi nói về dự án cáp treo hang Sơn Đoòng.
Vịnh Hạ Long đang ngày càng “quá tải và bị ô nhiễm” do thu hút nhiều lượt khách tham quan và các hoạt động đầu tư, khai thác du lịch tăng nhanh. Điều này cho thấy cần nghiên cứu vấn đề môi trường một cách khoa học và căn cơ, bài bản trước khi có kế hoạch phát triển, làm du lịch tại một khu vực nào đó.