Tổng kết dự án ''Phát triển du lịch sinh thái ở trong và xung quanh khu bảo tồn tại Việt Nam''

Cập nhật: 29/12/2014
(TITC) – Chiều ngày 26/12/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã tổ chức lễ tổng kết thành quả dự án “Phát triển du lịch sinh thái ở trong và xung quanh khu bảo tồn tại Việt Nam” sau 6 năm thực hiện.


Buổi tổng kết có sự tham dự của Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) Trần Thế Liên; đại diện dự án WWF cùng đại diện các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế, các khu bảo tồn và các cơ quan báo chí, truyền thông.


Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Trần Thế Liên cho biết đây là một trong những dự án quan trọng để hoàn thiện phát triển khu bảo tồn thiên nhiên. Mục tiêu của dự án là nâng cao sinh kế cho cộng đồng ở địa phương, đóng góp cho công tác bảo tồn ở vườn quốc gia. Triển khai từ năm 2009, dự án đã xây dựng thành công một mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, qua đó đóng góp vào bảo tồn thiên nhiên trong khu vực; đồng thời xây dựng dự thảo Thông tư về phát triển du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng và Hướng dẫn về du lịch có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền.


Nhà dài Tà Lài là mô hình du lịch dựa vào cộng đồng đầu tiên trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên, tọa lạc trên một ngọn đồi hướng ra rừng và gần hồ tại thôn 4 xã Tà Lài, cách Văn phòng Vườn Quốc gia Cát Tiên 12km. Nhà dài mang đặc điểm kiến trúc bản địa và được xây dựng từ các nguyên liệu địa phương. Nhà dài có thể phục vụ được 30 khách với một khu cắm trại có thể chứa được 150 người. Người dân địa phương được coi là trung tâm của dự án, được tham gia từ giai đoạn lên kế hoạch, xây dựng và đưa nhà dài vào hoạt động.

 


 

Dự án nhà dài Tà Lài đã tạo việc làm ổn định cho 100 hộ dân là người dân tộc thiểu số tại địa phương, doanh thu trong quý 1 năm 2014 đạt 875,8 triệu đồng. Dự án cũng xây dựng một cơ chế chia sẻ lợi ích để đảm bảo mô hình này đóng góp nguồn lợi hỗ trợ cho cộng đồng địa phương. Một khoản cố định trích từ vé vào cửa được đóng góp trực tiếp vào Quỹ Phát triển Cộng đồng, sử dụng để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và cho người dân vay để phát triển sinh kế khác.


Bên cạnh đó, dự án còn có những hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức cho các cán bộ của vườn quốc gia, đồng thời xây dựng một khung giám sát quản lý nguồn lực và tác động của du khách. Sau khi được đào tạo, các cán bộ có thể giám sát hiệu quả của các tiêu chí như tỷ lệ các loài hoang dã, số lượng khách tham quan, số lượng rác thải, mức độ tiếng ồn và các xung đột liên quan đến mục đích chuyến đi.


Theo bà Mạc Tuyết Nga, Quản lý dự án WWF Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái xung quanh và trong các khu bảo tồn. WWF muốn đưa ra một cách tiếp cận du lịch bền vững hơn, trong đó lợi ích của người dân được đảm bảo và sự phụ thuộc của họ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên giảm đi.
 

Tin; Ảnh: Thu Thủy