Thành phố bền vững

Cập nhật: 09/01/2015
Yếu tố bền vững đang thể hiện ngày càng rõ nét trong chiến lược phát triển của TP Đà Nẵng. Đó là Đề án “Đà Nẵng - thành phố môi trường”; là những chủ trương rất cụ thể về ưu tiên phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin...
 

Bên cạnh đó, yếu tố bền vững còn thể hiện rõ trong cách thức tiếp cận các vấn đề của thành phố. Đơn cử, những năm qua, thành phố cũng đã kiên quyết nói không với các dự án đầu tư trong và ngoài nước có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cho dù  giá trị của dự án lên tới hàng chục triệu USD trở lên; sự cải thiện đáng kể của thu ngân sách từ chỗ nguồn thu từ đất chiếm khoảng 50% xuống dưới 20%; tổng vốn đầu tư phát triển, thông tin truyền thông, công nghiệp, thủy sản - nông - lâm tăng trưởng khá; du lịch tăng trưởng cao, trong năm 2014 là 3,8 triệu lượt, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khách quốc tế ước đạt 955 nghìn lượt, tăng 28,5%, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1%...


Đó là những yếu tố nội sinh, thể hiện qua những chủ trương, định hướng của thành phố cũng như những con số dẫn chứng thực tế về phát triển bền vững của kinh tế Đà Nẵng thông qua những con số về thu ngân sách, phát triển du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch...


Một lĩnh vực không kém phần then chốt để đánh giá sự bền vững của Đà Nẵng, là về khả năng thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu; về môi trường sống, nước, không khí... Tại hội nghị năng lượng Diễn đàn hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44 diễn ra tại Washington vào tháng 11-2012, Đà Nẵng đã chính thức được thế giới công nhận là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có không khí sạch bởi hàm lượng cacbon thấp nhất. Đây là điều kiện giúp Đà Nẵng triển khai xây dựng thành công đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.


Tiếp đến là trong năm 2013, một tin vui đến với lãnh đạo và người dân Đà Nẵng khi Quỹ Rockefeller, đã công bố TP Đà Nẵng được lựa chọn trong số 33 thành phố đầu tiên được tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller khởi xướng, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quỹ. Một minh chứng sinh động nữa là, tại Hội nghị nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ 9 được tổ chức tại Yangon, Myanmar từ ngày 2-5-2011 đến ngày 4-5-2011, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí bình chọn Đà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam đoạt giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN.


Ngoài ra, trong năm 2013, Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO) đã mời thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) cùng với 4 thành phố khác là Pintan (Trung Quốc), Iskandar (Malaysia), Cebu (Philippines) và Map Ta Phut (Thailand) tham gia vào dự án “Thúc đẩy hình thành mạng lưới các thành phố sinh thái Đông Nam Á”...


Một đô thị phát triển bền vững có thể hiểu ở yếu tố ổn định, bền vững về KT-XH trong quá trình phát triển và đặc biệt, sự bền vững của đô thị còn thể hiện đó là một đô thị xanh, sạch và đẹp, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng nước; không khí; chất thải rắn; không gian xanh...
 

Trong 17 năm qua, từ khi trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, Đà Nẵng đã xác định hướng đi xây dựng đô thị phát triển bền vững với những lộ trình thích hợp, đạt kết quả khả quan trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy trong quá trình phát triển, có lúc, có lĩnh vực còn những tồn tại bất cập nhưng hướng đi đến bền vững là rõ ràng và hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào một tương lai không xa về một Đà Nẵng, thành phố bền vững.

 

Nguồn: Cadn.com.vn