Sóc Côn Đảo
Ông Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thuộc BQL Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết, Côn Đảo hiện sở hữu nhiều động, thực vật, sinh vật biển quý hiếm với 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch; 160 loài động vật có xương sống trên cạn gồm: thú: 29 loài, chim: 85 loài, bò sát: 38 loài, ếch nhái: 8 loài. Có 3 nhóm động vật đặc hữu cần đặc biệt quan tâm, bảo vệ bởi chỉ còn có ở Côn Đảo là khỉ đuôi dài, sóc đen Côn Đảo và Thạch sùng Côn Đảo. Nơi đây đang sở hữu 1.455 loài sinh vật biển, trong đó thực vật ngập mặn có 23 loài...
Vùng biển Côn Đảo thường xuyên xuất hiện 3 loài thú biển được xếp vào loại đặc biệt cần được bảo vệ: Delphin mõm dài, cá Voi xanh và Bò biển. Đây cũng là nơi có số lượng rùa biển sinh sống và lên đẻ trứng nhiều nhất. Côn Đảo còn có "đặc sản" Yến hoang đảo nổi tiếng với 1 kg yến có giá 190 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi năm, sản lượng thu hoạch từ loại yến thượng hạng này không nhiều, chỉ trên 10kg. Cũng theo ông Hùng, hiện tại, Côn Đảo có 8 hang Yến chính, 3 hang Yến phụ được các lực lượng bảo vệ, khai thác bảo quản, chăm sóc nghiêm ngặt...
Với những "đặc ân" mà thiên nhiên ban tặng, vùng biển Côn Đảo được đưa vào danh sách "các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất" trong hệ thống các vùng bảo vệ biển của ngân hàng thế giới và đang được Cục Bảo vệ môi trường đề nghị ASEAN công nhận là khu di sản của ASEAN...
San hô nâm ở Côn Đảo.
Sống gần gũi với thiên nhiên thanh khiết, tươi đẹp, người dân Côn Đảo rất có ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn và bảo tồn các giá trị mà thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng cho mình. Qua ông Huỳnh Văn Hùng, được biết, cộng đồng nơi đây có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng và tài nguyên biển ven bờ, góp phần làm cho quần thể Côn Đảo luôn giữ được vẻ đẹp hoang sơ thanh khiết vốn có. Một trong những cách làm hay của huyện đảo này là biết cách phát động, tuyên truyền, "kéo" quần chúng cùng tham gia với cơ quan chức năng trong phát triển du lịch, bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Theo đó, song song với việc tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề sang làm du lịch biển bằng cách đầu tư đóng thuyền du lịch đưa khách tham quan các danh thắng ở các hòn đảo nhỏ xung quanh, Phòng chức năng thuộc BQL Vườn Quốc gia Côn Đảo mở nhiều lớp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sinh thái môi trường rừng và biển, mở các lớp đào tạo chương trình lái tàu chở khách, kỹ năng hướng dẫn, giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Côn Đảo. Với cách làm này, chính quyền địa phương đã góp phần giúp người dân được hưởng lợi từ môi trường thiên nhiên. Nhờ đó, việc bảo vệ, gìn giữ rừng và hệ sinh thái biển ở Côn Đảo đã phát huy được tác dụng.
Người dân nơi đây quan niệm, trong quá trình phát triển Côn Đảo phải lấy phát triển bền vững làm trọng, phát triển nhưng phải bảo tồn được những giá trị vốn có của nó. Thế nên mới có chuyện, khi dự án con đường Tây Bắc chạy sau lưng Núi chúa nối sân bay Cỏ Ống ra cảng Bến Đầm mới hình thành trên ý tưởng đã gặp phải phản ứng của các nhà khoa học và dân chúng. Bởi nếu cung đường này hình thành sẽ chia cắt vùng sinh thái, làm giới hạn không gian sinh hoạt của các loài vật đang sinh sống tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Dự án buộc phải tạm thời dừng lại để tìm một giải pháp khác phù hợp hơn. Nói như các nhà chuyên môn rằng, không thể "hy sinh các tiềm năng sinh thái để đổi lấy một con đường mà các mục tiêu phát triển của nó không rõ ràng"...
Một đoàn du khách ra Côn Đảo về kể lại rằng, để thưởng thức được món trứng vích ở hòn đảo xinh đẹp này, họ đã phải ăn trong... lén lút, sau khi thống nhất cùng chủ nhà hàng (là người từ đất liền ra lập nghiệp): không được lộ chuyện này ra ngoài và chỉ được ăn trong giới hạn 1-2 quả mà thôi. Khi khách vừa bóc vỏ quả trứng này ra, lập tức nhân viên phục vụ đến hốt đi. Bởi chỉ cần bị phát hiện, quán ăn đó sẽ không bao giờ được phép kinh doanh nữa. Không biết thực hư thế nào nên khi ra Côn Đảo, tôi đã tìm đến một số nhà hàng bán hải sản để kiểm chứng, nhưng đến đâu tôi cũng bị từ chối với lý do: không bán loại trứng này.
Rùa đẻ trứng ở Côn Đảo (ảnh do BQL Vườn Quốc gia Côn Đảo cung cấp).
Không chỉ có thế, người dân Côn Đảo ý thức rất rõ về tầm quan trọng sự tồn tại của rừng quốc gia Côn Đảo việc điều tiết và cung cấp nguồn nước ngọt cho các hồ nước ngầm ở đây. Mà ở đảo, nước ngọt rất quý, hiếm!
Được biết, những nhà làm công tác bảo tồn và gìn giữ hệ sinh thái môi trường ở Côn Đảo đã tạo ra được những sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên, môi trường với 11 tuyến điểm du lịch gồm: 5 tuyến du lịch sinh thái rừng và 6 tuyến du lịch sinh thái biển đảo. Theo đó, đến Côn Đảo, ngoài du lịch tâm linh gắn liền di sản quốc gia là hệ thống nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, du khách có thể bơi lội ngắm san hô, leo núi để thưởng ngoạn các hệ sinh thái ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, xem hang động hay đón thuyền ra các hòn đảo nhỏ thuộc quần thể Côn Đảo xem vích đẻ trứng...
Dựa vào những lợi thế và tiềm năng ấy, cơ cấu phát triển kinh tế ở Côn Đảo chủ yếu dựa vào du lịch-dịch vụ, chiếm tỷ lệ trên 86%. Theo đó, việc bảo vệ thiên nhiên chính là nguồn khai thác lâu dài để Côn Đảo phát triển. Đây là hướng đi và tầm nhìn đúng đắn, cần được chính quyền và nhân dân Côn Đảo tiếp tục phát huy.