Du khách thích thú trải nghiệm đánh bắt cá. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Theo ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, năm 2015, thành phố tiếp tục hoàn thiện, phát huy những sản phẩm đã có, nhất là tập trung hoàn thành và thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” theo định hướng là chợ văn hóa, văn minh gắn với phát triển du lịch.
Ngành du lịch thành phố sẽ xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch mới như chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer tại chùa Pothysomrom (quận Ô Môn); hệ thống nhà cổ, lễ hội trái cây Tân Lộc (quận Thốt Nốt); khôi phục vườn cò Bằng Lăng (quận Thốt Nốt) và làng hoa Phó Thọ-Bà Bộ (quận Bình Thủy); du lịch trải nghiệm ở các nông trường…
Năm 2015, thành phố Cần Thơ tổ chức nhiều sự kiện lớn liên quan đến du lịch như Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ (vào ngày mùng 10/3 Âm lịch), Tuần lễ Du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long (từ 26/4-2/5).
Năm 2015, Cần Thơ đảm nhận vai trò Cụm trưởng trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.
Do đó, ngành du lịch thành phố đang xây dựng kế hoạch chu đáo để các hoạt động diễn ra thành công, tạo điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ nói riêng và du lịch vùng nói chung.
Trong năm 2015, thành phố Cần Thơ dự kiến sẽ xúc tiến mở thêm một số đường bay nội địa và quốc tế như Cần Thơ-Khánh Hòa, Cần Thơ-Lâm Đồng, Cần Thơ-Hàn Quốc, Cần Thơ-Singapore, Cần Thơ-Đài Loan để tạo điều kiện liên kết, thúc đẩy sự phát triển du lịch của thành phố.
Song song đó, cơ sở hạ tầng, nhiều công trình dự án du lịch sẽ được chú trọng đầu tư. Đến cuối năm 2015, Cần Thơ sẽ đưa vào hoạt động khách sạn 5 sao Mường Thanh, khu resort, bãi tắm sông và các dịch vụ vui chơi giải trí tại khu vực cồn Cái Khế đồng thời khởi công xây dựng các trung tâm thương mại, khách sạn lớn phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí và nghỉ dưỡng của du khách như Lotte Mart, cầu đi bộ từ Bến Ninh Kiều qua Cồn Cái Khế…
Với những dự án này, du khách đến Cần Thơ sẽ có nhiều điểm tham quan, vui chơi và thời gian lưu lại sẽ tăng lên.
Ngoài ra, ngành đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố: tuyến du lịch đường sông liên quận, huyện và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, lập lại trật tự tại Bến tàu du lịch ở Bến Ninh Kiều, sắp xếp ổn thỏa hoạt động đò chèo, hạn chế nạn chèo kéo, ăn xin ở các điểm du lịch.
Thành phố đã xây dựng và duy trì chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch hằng tuần tại Bến Ninh Kiều, Nhà hát Tây Đô; xây dựng được các sản phẩm quà lưu niệm như nón, áo thun, mô hình cầu Cần Thơ, đĩa chợ cổ Cần Thơ.
Trong những năm gần đây, nhất là từ khi cầu Cần Thơ hoàn thành đưa vào sử dụng và các tuyến bay từ Cần Thơ đi các vùng miền trong cả nước được mở, ngành du lịch Cần Thơ phát triển ngày càng khởi sắc, các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng; cơ sở lưu trú du lịch ngày càng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.
Năm 2014, ngành du lịch Cần Thơ đã đón và phục vụ 1,367 triệu lượt khách lưu trú, vượt 5,2% kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó có 220.021 lượt khách quốc tế, đạt 100% kế hoạch, tăng 4% cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.171 tỷ đồng, vượt 6,5% kế hoạch, tăng 20% so với năm 2013.
Các loại hình du lịch đặc trưng của Cần Thơ như du lịch hội nghị, du lịch sông nước-miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch tâm linh đang thu hút khá đông khách du lịch; du lịch cộng đồng, lưu trú tại nhà dân đang bước đầu hình thành và phát triển mạnh.
Thành phố Cần Thơ hiện có 200 cơ sở lưu trú du lịch, bao gồm 181 khách sạn, 6 nhà khách, 3 nhà nghỉ du lịch và 10 điểm vườn có lưu trú./.