Không ''chặt chém'', du lịch miền Tây thắng lớn

Cập nhật: 26/02/2015
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, ngành du lịch trong khu vực đón trên 4 triệu lượt khách, tương đương lượng khách trong 2 tháng bình thường và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) - ngôi chùa lớn nhất ở ĐBSCL - có khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan, hành hương trong những ngày Tết. Đặc biệt, trong 2 ngày mùng 1 và mùng 4, ngôi chùa này trở nên quá tải vì khách đồng loạt đến vào buổi trưa.

 

Cách Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam vài trăm mét, Làng Du lịch Mỹ Khánh (là 1 trong 24 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL) cũng đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan. Tại đây, du khách tỏ ra thích thú khi được tham quan khu nhà cổ Nam Bộ, thưởng thức chương trình văn nghệ đờn ca tài tử, tự mình “một ngày làm điền chủ”, tát mương bắt cá, xem đua chó, dạo quanh vườn trái cây rộng khoảng 7 ha, thưởng thức các món ăn dân dã đậm chất miền Tây ở khu chợ quê thu nhỏ với mỗi khẩu phần chỉ từ 20.000-50.000 đồng. “Đến đây và những điểm du lịch khác trong khu vực ĐBSCL, khách du lịch không bị “chặt chém” nên chúng tôi rất yên tâm. Hơn nữa, được làm nông dân đi bắt cá, được vui chơi trong khung cảnh yên bình, không khí trong lành khiến các bạn trẻ rất thích thú mỗi khi về miền Tây” - Nguyễn Thị Mai, một du khách đến từ tỉnh Thái Bình, nhận xét.

 

 

 

Khách nước ngoài tham quan đường hoa ở TP Cần Thơ trong những ngày Tết

 

Tại tỉnh Bạc Liêu, liên tục trong những ngày Tết, khu biển nhân tạo thuộc Khu Du lịch Nhà Mát đầy ắp khách đến vui chơi. Cạnh đó, một chợ cung ứng hải sản có giá “mềm” hơn ở chợ nên du khách yên tâm khi thưởng thức.
 

Khu bãi cát ven sông Hậu ở TP Cần Thơ, khu “Biển Cần Thơ” vừa hình thành nên thu hút khá nhiều du khách từ TP HCM đổ về. “Đường về miền Tây đã thông thoáng, chỉ mất khoảng 3 giờ chạy xe từ TP HCM. Hơn nữa, dù nước sông không trong bằng nước biển nhưng khung cảnh nơi đây chẳng khác nào bãi tắm ở Vũng Tàu nên nhiều du khách muốn được khám phá” - anh Trần Minh Tâm, một hướng dẫn viên du lịch ở TP HCM, cho biết.

Cà Mau là vùng đất nằm ở cuối cùng của cực Nam Tổ quốc nên các đơn vị tổ chức tour về đây tham quan không nhiều. Tuy nhiên, dịp Tết năm nay, lượng khách đổ về tăng khoảng 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Ông Võ Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh của khách sạn Ánh Nguyệt (Cà Mau), cho biết những ngày qua, trung bình có khoảng 140 khách du lịch lưu trú qua đêm, trong đó đa phần đến từ miền Bắc và khách nước ngoài…
 

Bà Nguyễn Thị Như Hoàng, Giám đốc chi nhánh tại TP Cần Thơ của Công ty CP Quốc tế Trải Nghiệm Mới, cho rằng lý do lượng khách đến ĐBSCL trong dịp Tết tăng đột biến là do sân bay Cần Thơ đã nối tuyến bay đi Hà Nội và Đà Nẵng nên rút ngắn khoảng cách rất nhiều so với bay vòng qua TP HCM rồi mới đến vùng sông nước Cửu Long như trước đây. “Ngoài ra, người dân trong khu vực ĐBSCL ngày càng có xu hướng ngại đi du lịch xa, sợ bị “chặt chém” nên đã chọn tham quan các điểm du lịch “cây nhà lá vườn”; hệ thống giao thông đường bộ cũng thông suốt, mở rộng nên ngày càng có nhiều khách từ TP HCM đổ về miền Tây tham quan” - bà Hoàng nói.

 

Nguồn: nld.com.vn/