Bà Lisa Wishman, Tùy viên báo chí Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995-2015), Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ cùng hợp tác trong Chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi, nhằm hình thành một liên minh chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác. Mục đích của Chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi là nâng cao nhận thức cho công chúng, làm giảm nhu cầu mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã; đồng thời cải thiện quan hệ song phương về an ninh môi trường.
Được tài trợ từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi sẽ bổ sung và mở rộng các hoạt động của Chương trình, bởi tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)-Châu Á hành động trước nạn buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Mục tiêu là giảm xu hướng tiêu thụ và buôn bán các loài động vật bị đe dọa tại Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại Chương trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định: Luật Bảo tồn đa dạng sinh học được ban hành năm 2008, là minh chứng khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát triển các loài động thực vật nói chung và tăng cường hành động bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng nói riêng. Đặc biệt, thực hiện Chiến lược quốc gia bảo tồn đa dạng sinh học tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về “mảng xanh” để bảo tồn đa dạng sinh học một cách bền vững. Theo xác định của Cục Kiểm lâm, có tới 80-90% sản phẩm động vật hoang dã thu hồi được là sản phẩm giả, nhất là sừng tê giác.
Nạn săn bắt và buôn bán động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, đã và đang là một vấn đề nóng và ở mức báo động đe dọa các loài quý hiếm trong hệ sinh thái. Riêng nhu cầu tăng chóng mặt về sừng tê giác từ các nước châu Á, đang là động cơ của cuộc khủng hoảng săn bắn và buôn bán trái phép tại Châu Phi. Theo thống kê của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hơn 20.000 con voi đã bị giết để lấy ngà ở Châu Phi năm 2012 và trong năm 2013, chỉ tính riêng ở Nam Phi đã có hơn 1.000 con tê giác trắng bị giết để lấy sừng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã, chủ yếu từ các nước châu Á tăng mạnh. Các nhóm tội phạm có tổ chức đã chuyển từ buôn bán ma túy, vũ khí, buôn người sang buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã do đem lại lợi nhuận lớn. Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (WWF) ước tính thị trường chợ đen buôn bán các sản phẩm này có thể lên tới 19 tỷ USD mỗi năm.
Các nhà quản lý và các nhà khoa học tham dự Chương trình cho rằng, nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã cần được ngăn chặn bằng nhiều biện pháp và trên nhiều phương diện khác nhau, tập trung vào hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường năng lực thực thi pháp luật. Cần tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động bảo tồn động vật hoang dã; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và đảm bảo cuộc sống của cộng đồng dân cư tại các khu vực có động vật hoang dã sinh sống.
Theo đó, Chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi sẽ được thực hiện trên cơ sở sự phối hợp của các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, gồm phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, các nhóm cộng đồng và thanh niên, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ có những hoạt động mang tính tiếp cận, để thay đổi nhận thức của hàng triệu người Việt Nam trong năm 2015. Đặc biệt là những sự kiện lớn được tổ chức vào mùa Thu năm nay và cuộc thi làm phim về đề tài này.