Hòa tấu đàn PLông pút và đàn Krâu - hai nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh minh họa. (Nguồn: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Những loại nhạc cụ này được lưu truyền đến tận ngày nay nhờ tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân. Một trong số đó chính là nghệ nhân Rchâm Tih ở làng Jút, xã Ia Dêr huyện Ia Grai.
Nghệ nhân Rchâm Tih có tài trời phú khi vừa có thể chơi thành thạo lại vừa có thể chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống từ những cây tre, cây nứa.
Người nghệ sỹ của núi rừng Tây Nguyên đã mở lớp chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Không cần giấy, bút hay bất cứ loại tài liệu nào, chỉ với một cây dao mũi nhọn cùng những ống tre, ống nứa, Rchâm Tih dùng đôi bàn tay khéo léo, hòa quyện với tâm hồn người nghệ sỹ đã tạo nên nhiều loại nhạc cụ dân tộc với đủ các cung bậc âm thanh trầm bổng mang đậm sắc thái tâm hồn của người dân tộc bản địa.
Nghệ nhân Rchâm Tih nhớ lại, hồi nhỏ, hễ ở đâu có tiếng cồng chiêng, tiếng đàn vang lên là anh quên hết mọi việc tìm đến để học. Thấy người lớn tuổi trong làng vót những ống tre, ống nứa làm đàn anh cũng vót theo, dần dần tích lũy được kinh nghiệm và bây giờ muốn truyền đạt lại cho lớp trẻ để lưu giữ lại nét văn hoá quý giá của dân tộc.
Nghệ nhân Rchâm Tih không chỉ chơi đàn hay mà còn chế tác đàn giỏi, vì thế học trò của anh vừa có thể làm đàn vừa được chơi nhuần nhuyễn nhiều bản nhạc dân ca bằng chính các loại nhạc cụ do mình làm.
Điều này đã khuyến khích bạn trẻ ngày càng yêu thích và thấu hiểu hơn giá trị của các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Với nghệ nhân Rchâm Tih, khi chơi đàn, con người được hòa quyện với thiên nhiên, với cây cỏ, hoa lá, tiếng đàn là tâm hồn, sự thanh thản hướng đến một cuộc sống tốt đẹp...
Những bản nhạc dân ca J’rai độc đáo được thầy trò nghệ nhân Rchâm Tih hòa tấu trên chính những nhạc cụ tự tay chế tác vì thế mà giai điệu cũng thêm phần réo rắt, ngọt ngào và mê đắm./.