IPU-132: ''Cơ hội vàng'' cho văn hoá Việt Nam

Cập nhật: 25/03/2015
Sự có mặt của hàng nghìn đại biểu quốc tế tham dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) là cơ hội để tôn vinh, giới thiệu với bạn bè quốc tế về những giá trị văn hoá tiêu biểu, sự phong phú, đa dạng của văn hoá truyền thống các dân tộc Việt Nam…
 

1. Từ ngày 28/3 - 01/4/2015, IPU-132 sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị, ngoại giao có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong năm 2015. Việc tổ chức thành công IPU-132 sẽ nâng cao uy tín của đất nước và Quốc hội Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo đà thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Việt Nam, cũng như của Việt Nam ra các nước.
 

Đặc biệt, đối với Việt Nam, bên cạnh mục đích tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, toàn cầu như hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững, việc tổ chức IPU-132 còn góp phần tăng cường quảng bá với các nước trên thế giới về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.


Với nhiều đại biểu quốc tế, sau những ấn tượng khi đến thăm “Không gian văn hóa Việt Nam” giới thiệu những nét văn hoá mang đậm dấu ấn bản sắc của 54 dân tộc anh em được trưng bày tại IPU-131, đều bày tỏ háo hức khi được đến Việt Nam để tham dự IPU-132. Và chắc chắn, những tiết mục nghệ thuật truyền thống tại Lễ khai mạc IPU-132 lần này; những hoạt động trình diễn của đồng bào các dân tộc cũng như chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đêm hội đoàn kết nghị viện” tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam hứa hẹn sẽ làm “mãn nhãn” những đại biểu nghị viện và quan khách quốc tế bởi những nét văn hóa, âm nhạc đặc sắc của dân tộc Việt Nam.


2. Sẽ không giống với các kỳ họp Đại hội đồng IPU trước đây, tham dự IPU-132, ngoài những nội dung quan trọng trên nghị trường, các đại biểu còn được Ban Tổ chức dành thời gian để tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam và trực tiếp trải nghiệm, “tắm mình” trong không gian văn hoá của các vùng miền trong cả nước được hội tụ về “Ngôi nhà chung” của đồng bào 54 dân tộc anh em - Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Theo kế hoạch, đoàn đại biểu chính thức gồm hơn 700 nghị sỹ trên tổng số 1.600 đại biểu quốc tế (trong số này có 49 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội và 40 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu) cùng đoàn đại biểu phu nhân, phu quân và các hãng truyền thông, thông tấn, báo chí quốc tế sẽ có mặt tham quan các không gian văn hóa đặc trưng dân tộc: không gian văn hóa miền núi phía Bắc, không gian văn hóa miền Trung - Tây Nguyên, không gian văn hóa Nam Bộ; giao lưu với đồng bào các dân tộc - những tuyên truyền viên tích cực của văn hoá Việt Nam như cách nói của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trong buổi làm việc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam mới đây.


Cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ chào mừng các đoàn đại biểu bằng các hình thức đón khách truyền thống, tái hiện một số lễ hội tiêu biểu, biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian đặc trưng tại các không gian dân tộc. Cùng với đó, các đại biểu sẽ tham quan không gian trưng bày, giới thiệu sản vật địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, thăm quần thể Tháp Chăm, chùa Khmer và thưởng thức chương trình nghệ thuật “Đêm hội đoàn kết nghị viện”.


Có một điều đặc biệt khi đến với Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đó là các đại biểu sẽ không chỉ được nhìn, được xem các lễ hội đặc sắc như: “Xên lẩu nó” của dân tộc Thái, “Nhảy lửa” của dân tộc Pà Thẻn, “Sắc bùa” của dân tộc Mường, “Ná Nhèm” của dân tộc Tày, “Đám cưới người Dao” của dân tộc Dao… mà còn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động văn hoá dân tộc như: nhảy sạp, múa xoè, thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng dân tộc…


Có thể nói, các hoạt động văn hoá tổ chức tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ như “bản báo cáo dung dị” về các cộng đồng dân tộc Việt Nam, về văn hóa Việt Nam giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Với ý nghĩa đó, IPU-132 có thể coi là một “cơ hội vàng” để quảng bá, giới thiệu văn hoá Việt Nam nói chung, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng với thế giới.

 

Nguồn: langvietonline.vn