Ông Hoàng Văn Thập - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết: vườn vô cùng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, nhiều nơi còn rất nguyên sơ, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học cao: Khu hệ thực vật rừng bước đầu đã ghi nhận được 1.561 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 842 chi, 186 họ và 5 ngành thực vật khác nhau chủ yếu là cây gỗ nhỏ và cây bụi. Nhóm gỗ thiết mộc và gỗ có giá trị kinh tế cao như: trai lý, nghiến, lát hoa, sến mật, giổi... Nhóm cây làm thuốc có 661 loài như bổ cốt toái, bạch nhật, xạ đen..., trong đó hầu hết đã được ghi nhận về giá trị sử dụng theo kinh nghiệm của y học cổ truyền dân tộc.
Những cây thuốc này có thể sử dụng vào các bài thuốc, toa thuốc đông y khác nhau để chữa trị nhiều chứng bệnh thông thường như các bệnh đau xương - khớp, bệnh đường tiêu hoá, đường hô hấp, bệnh gan, thận, cảm sốt và bệnh ngoài da... Nhóm cây ăn được có tới 196 loài, trong đó đáng kể hơn cả là loài màn màn, rau dớn, sấu, sung...
Nhóm cây làm cảnh và cây bóng mát có hơn 200 loài, nhiều loài làm cảnh nhất là họ phong lan (15 loài), tiếp đến là họ cau dừa (17 loài). Đối với động vật rừng, đã ghi nhận được 338 loài động vật có xương sống ở cạn hiện tồn tại ở Cát Bà. Trong đó: lớp thú 53 loài thuộc 7 bộ, 17 họ; lớp chim 205 loài thuộc 17 bộ, 51 họ; lớp bò sát 55 loài thuộc 2 bộ, 14 họ; lớp ếch nhái 25 loài thuộc 1 bộ, 7 họ…
Phong phú như vậy nhưng có tới 36 loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn, gồm 26 loài trong Sách đỏ Việt Nam… Riêng hệ động thực vật biển đã phát hiện được 1.313 loài, trong đó đã xác định được: 196 loài cá biển, 538 loài động vật đáy, 89 loài động vật phù du, 189 loài loài thực vật phù du, trên 75 loài rong biển và 193 loài san hô…
Sự đang dạng về động thực vật cộng với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, chính là điều kiện lý tưởng để hàng năm Vườn quốc gia Cát Bà đã đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan và học tập, nghiên cứu. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá Vườn quốc gia Cát Bà chứa đựng giá trị cao về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, là nơi có số lượng kiểu thảm thực vật đa dạng vào bậc cao so với các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, là nơi có quần thể Voọc Cát Bà là một loài linh trưởng đặc hữu duy nhất trên thế giới chỉ có ở Cát Bà - Việt Nam. Ngoài những giá trị về đa dạng sinh học, còn nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như hệ thống hang động, các di chỉ, di tích lịch sử nổi tiếng, hệ thống núi đá vôi độc đáo với nhiều hình thù riêng biệt tạo cảnh quan độc đáo.
Với những giá trị như vậy, Vườn quốc gia Cát Bà trong những năm qua cũng đã được Chính phủ, UBND TP Hải Phòng, các cơ quan ban ngành, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ quan tâm xây dựng và phát triển. Nhất là đã triển khai thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, đánh giá rủi ro sinh thái, triển khai nhiều biện pháp quản lý bảo vệ nhằm giữ gìn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trên quần đảo Cát Bà. Hiện Cát Bà cũng đang trên lộ trình đề xuất Ủy ban UNESCO thế giới công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững những giá trị tài nguyên thiên nhiên trên quần đảo Cát Bà.
Trong tương lai gần, việc quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới không chỉ góp phần vào mục tiêu chiến lược bảo tồn và phát triển của Vườn quốc gia Cát Bà mà còn đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường mang tính toàn cầu, góp phần to lớn trong việc bảo tồn nguồn gen động thực vật rừng, biển phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ đời sống con người, chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu…
Vườn quốc gia Cát Bà có vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý bảo vệ, bảo tồn và phục hồi tài nguyên đa dạng sinh học, phát triển và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng, tuyên truyền giáo dục bảo vệ tài nguyên môi trường, triển khai các chương trình giám sát tài nguyên đa dạng sinh học, các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, tổ chức quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen động thực vật rừng, biển và các cảnh quan thiên nhiên trên quần đảo Cát Bà nhằm xây dựng quần đảo Cát Bà xứng đáng là nơi học tập thí nghiệm, giữ gìn và phát huy tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng./.