Linh hoạt trong bảo tồn văn hóa truyền thống

Cập nhật: 17/02/2015
Bảo tồn văn hóa truyền thống đang đứng trước rất nhiều sức ép của cuộc sống hiện đại.
 

Bảo tồn văn hóa truyền thống cần linh hoạt trrong điều kiện hội nhập văn hóa sâu rộng hiện nay.

Tất cả những tập tục truyền thống văn hóa dù của tộc người nào cũng đều đáng trân trọng vì đó là tinh hoa tích lũy từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm trước, qua bao đời cha truyền con nối.

Một dân tộc dù đa hay thiểu số thì mọi tập tục nền nếp, thói quen sinh hoạt dù nhỏ nhất cũng là kết quả hình thành của nhiều năm tháng qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Tuy nhiên, đây cũng chính là quá trình đào thải tự nhiên mạnh nhất, khắc nghiệt nhất.

Đặc biệt, khi xã hội thay đổi cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ mang đến một thế giới mở và mở ra cơ hội giao lưu văn hóa không biên giới. Sự giao lưu càng mạnh mẽ thì nền văn hóa của những tộc người càng thiểu số sẽ dễ bị lấn át.

Văn hóa ngoại lai theo nhiều cách khác nhau đều muốn đồng hóa, thay đổi văn hóa bản địa. Có những tập tục, lễ hội, phong tục truyền thống đã vĩnh viễn mất đi, nhưng cũng có những thứ được thay đổi cho phù hợp với xã hội đương đại để tồn tại. Biến đổi để sinh tồn đó là quy luật của tự nhiên, xã hội.

Có những phong tục, lễ hội đẹp cần lưu giữ phát huy như “Mùng một tết cha, mùng 2 tết mẹ mùng 3 tết thầy”, lễ hội Gióng, hội Đền Hùng…, đó chính truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn biết ơn tổ tông, đồng thời khơi gợi lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí quật cường bảo vệ Tổ quốc.

Nhưng cũng có những lễ hội, phong tục lạc hậu bị coi như hủ tục đó là hôn nhân cận huyết thống, tục cướp vợ, rồi nhiều tập tục mê tín dị  đoan khác thì cần bị loại bỏ vì không mang ý nghĩa nhân văn, ảnh hưởng tới tính mạng con người, tới sự sống còn của tộc người, và dẫn đến đói nghèo.

Cùng với đó, ở một xã hội giao thoa văn hóa, xã hội công nghiệp lúc nào cũng bận rộn vội vã thì việc thực hiện đầy đủ các lễ cúng trong gia đình cũng đang bị thu lại, đơn giản hóa một cách vô thức. Có những gia đình, dòng họ một năm có tới mười mấy ngày cúng giỗ. Tất cả con cháu phải bỏ hết công việc, tổ chức cúng bái, ăn uống rất tốn kém. Mặc dù việc duy trì nếp nhà là một cách để giữ gìn nét đẹp truyền thống, giữ đạo nhà từ đó xây dựng con người văn hóa, nhưng nếu tuân theo đúng nếp xưa thì công việc, sinh hoạt cá nhân cũng như tình hình kinh tế xã hội nói chung cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Một mùa xuân mới lại về. Xen lẫn háo hức mong chờ một năm mới là rất nhiều lo lắng. Gánh nặng về trách nhiệm trong dịp tết với nhiều người âu cũng còn khá "nặng".

Có những người cả năm làm ăn nhưng do không may mắn nên không dám về quê, rồi  chuyện ăn uống, say sưa tối ngày trong dịp Tết khiến không ít người cảm thấy sợ và nảy sinh tâm lý trốn tránh. Có lẽ đây cũng chính là lý do mà ngày càng có nhiều gia đình Việt đi du lịch vào dịp Tết cổ truyền. Với họ, Tết là dịp nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động, chuẩn bị cho một năm mới nhiều vất vả thách thức phía trước.

Theo GS Hoàng Nam (Viện Nghiên cứu Dân tộc học), chúng ta không thể bảo tồn hết mọi phong tục, tập quán, lễ hội… mà cần có nghiên cứu kỹ càng để bảo tồn có chọn lọc. Những tập tục dù có từ lâu đời nhưng không còn phù hợp, không nhân văn thì nên loại bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

 

Nguồn: Chinhphu.vn