Lực hút từ du lịch truyền thống ở Thành phố mang tên Bác

Cập nhật: 31/03/2015
Thành phố mang tên Bác xác định, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại gắn với chấn hưng văn hóa, nuôi dưỡng, phát huy những giá trị truyền thống để tạo môi trường sống nghĩa tình, nhân văn. Là đô thị trung tâm của cả nước, việc phát triển du lịch ở TP Hồ Chí Minh cũng dựa trên định hướng phát triển chung ấy. Mỗi điểm đến là một dấu ấn mang lại cho du khách cảm nhận về nghĩa tình tỏa lan trong môi trường văn minh, hiện đại…
Đa dạng sản phẩm, liên kết, kích cầu du lịch


Những ngày cuối tháng 3 này, TP Hồ Chí Minh sôi động với Ngày hội du lịch năm 2015. Đây là sự kiện trọng tâm thúc đẩy hoạt động du lịch ở Thành phố mang tên Bác trong năm nay, “đón đầu” ngày hội lớn kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với chủ đề “Ấn tượng Di sản thế giới tại Việt Nam”, ngày hội du lịch có sự tham gia của 150 gian hàng đến từ 80 đơn vị, doanh nghiệp du lịch của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước; giới thiệu các sản phẩm, tour, tuyến hấp dẫn để kích cầu, liên kết, quảng bá du lịch. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: TP Hồ Chí Minh đang hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa lớn; là điểm nhấn để thu hút du khách; đồng thời thông qua các hoạt động xúc tiến, phát triển du lịch, những giá trị lịch sử to lớn qua chiến thắng vĩ đại của toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu sẽ được hội tụ, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân và du khách. Phát triển du lịch bền vững cũng dựa trên nền tảng khai thác, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần vô giá ấy. Theo từng năm, ngày hội du lịch sẽ phát triển quy mô để trở thành một “siêu thị du lịch” đa dạng về hàng hóa, dịch vụ, chủng loại, bảo đảm chất lượng, uy tín, thương hiệu rõ ràng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách. Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh năm nay cũng là môi trường, cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành của Thành phố và cả nước mở rộng liên kết quốc tế, quảng bá, đưa những di sản thế giới tại Việt Nam hội nhập sâu rộng với hệ thống di sản trên thế giới.

 

Du khách khám phá cuộc sống thời chiến trong “Vùng giải phóng” ở khu di tích Địa đạo Củ Chi.

 

Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong chương trình kích cầu, khuyến mãi du lịch của ngày hội lần này có hàng loạt sản phẩm du lịch được giảm giá ở mức phổ biến từ 10-30%. Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành đã kết nối với các hãng hàng không để thực hiện các tour du lịch xuyên Việt và quốc tế, đem đến dịch vụ và sự tiện lợi tốt nhất cho du khách. Mạng lưới du lịch đường thủy ở TP Hồ Chí Minh cũng sẽ được đẩy mạnh khai thác. Toàn Thành phố có khoảng 1000km sông, kênh, rạch. Sau khi mạng lưới giao thông nội đô và vành đai Thành phố được xây dựng, cùng với đó là sự thành công ngoài mong đợi của chiến dịch cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến kênh chính, đã mở ra cơ hội, tiềm năng to lớn phát triển du lịch đường thủy. TP Hồ Chí Minh đang từng bước cải tạo, xây dựng mới 50 bến đón tàu, cầu tàu; kết nối đường bộ tới các điểm tham quan. Trong năm 2015, ngành du lịch Thành phố tiếp tục đặt trọng tâm phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có thương hiệu, bản sắc riêng, chú trọng công tác xúc tiến quảng bá. 


Du lịch truyền thống vào mùa


Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngày hội là hệ thống các sản phẩm du lịch truyền thống với sự tôn vinh, nhân rộng giá trị của di sản Đờn ca tài tử; các hoạt động giao lưu, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật về 40 năm xây dựng và phát triển ở Thành phố mang tên Bác. Đặc biệt, hệ thống các di sản, di tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những điểm đến thu hút đông đảo du khách. Bên cạnh các hoạt động phục vụ tham quan, ngành văn hóa, du lịch sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tương tác hấp dẫn, giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị để cảm nhận, thấu hiểu sâu sắc hơn giá trị của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.


Cùng một nhóm bạn trẻ là sinh viên báo chí tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thực hiện chuyến hành trình về nguồn tại khu di tích Địa đạo Củ Chi. Càng gần đến ngày hội lớn 30-4, địa danh du lịch truyền thống này càng tấp nập du khách. Cùng với những địa danh gắn liền với lịch sử cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc như: Cần Giờ, Rừng Sác, Dinh Thống Nhất và hệ thống các bảo tàng…, Địa đạo Củ Chi là điểm đến được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn khi đến với TP Hồ Chí Minh dịp này. Vào những ngày cuối tuần, khu di tích Địa đạo Củ Chi nhộn nhịp những hoạt động cắm trại, giao lưu, tìm hiểu truyền thống… của giới trẻ. Khu vực thu hút du khách nhiều nhất là “Vùng giải phóng” trong khuôn viên di tích. Tại đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống thời chiến tranh của quân và dân Củ Chi những năm 60 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt. Cuộc sống thời chiến của những thế hệ người tại nơi được mệnh danh là “Đất thép” được tái hiện ở một khu làng nguyên mẫu với những nếp nhà tranh bình dị, chi chít giao thông hào, hầm chông, công sự, vọng gác… Các công cụ trực quan sinh động đó giúp du khách cảm nhận sâu sắc một giai đoạn lịch sử hào hùng, góp phần lý giải về chiến thắng tất yếu của một dân tộc quật cường, anh dũng trước kẻ thù xâm lược.


Hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã lưu ý đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành của Thành phố phải chú ý quan tâm phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa, chăm lo xây dựng môi trường sống đậm chất nhân văn, nghĩa tình. Thành phố càng được xây dựng văn minh, hiện đại thì chất nhân văn, nghĩa tình ấy càng phải được vun đắp, phát huy và tỏa sáng.


Du lịch, với thế mạnh đặc trưng, được quan tâm phát triển có chiều sâu để mỗi người dân, mỗi du khách đều là “sứ giả” của văn hóa, để nét đẹp nhân văn, chất nghĩa tình tỏa lan trong môi trường hiện đại.


Du lịch truyền thống TP Hồ Chí Minh đang vào mùa sôi động. Mỗi điểm đến là một chứng tích được khai mở, gắn kết với nhiều hình thức giáo dục trực quan sinh động, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch. Dịp này, TP Hồ Chí Minh bước vào cao điểm xúc tiến du lịch gắn với chỉnh trang đô thị, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa-nghệ thuật… tạo môi trường văn hóa đậm chất truyền thống, khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến thắng vĩ đại 30-4 trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.



Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN

 

Nguồn: QĐND