Giải pháp liên ngành, cộng đồng cùng vào cuộc

Cập nhật: 20/04/2015
Thủ đô Hà Nội hấp dẫn du khách bởi nhiều yếu tố, trong đó có nét đẹp cổ kính của những công trình kiến trúc xưa cũ nằm xen lẫn với cao ốc hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố nghìn năm tuổi có những hồ nước, công viên, đại lộ rợp bóng cây và hơn 600 đền, chùa lớn nhỏ. Năm 2014, Hà Nội đã đón 3 triệu lượt khách quốc tế và 15,5 triệu lượt khách nội địa. Lượng khách đến Hà Nội có thể lớn hơn nếu các điều kiện hỗ trợ phục vụ khách du lịch liên quan đến giao thông, thông tin, môi trường, dịch vụ... được cải thiện.
 

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Hải


Điều kiện hỗ trợ thông tin hạn chế


Hiện tại, Hà Nội có khoảng 40 bốt thông tin du lịch tự động đang ở trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng và rất ít du khách biết đến những bốt này. Ông Phạm Thế Phong, đại diện Vietrantour cho rằng, các bốt thông tin du lịch hiện chưa thể hiện rõ tiện ích, đáp ứng nhu cầu thông tin của du khách một cách đầy đủ. Lấy ví dụ, khách muốn tìm kiếm nhà hàng hay doanh nghiệp du lịch để đăng ký các landtour (dịch vụ du lịch mặt đất) ở Hà Nội thì phần mềm không định vị được vị trí của các nhà hàng hay doanh nghiệp đó, mà chỉ cho phép tìm kiếm theo tên đường phố. Như vậy, vô tình các bốt này không tạo được tiện ích như khi khách tự tra cứu trên google hoặc tham khảo trên Trip Advisor qua các thiết bị điện tử cá nhân. Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Five Star Travel nói: "Các quầy thông tin hỗ trợ hầu như không phát huy được tác dụng, nhân viên hỗ trợ không được trang bị đầy đủ kiến thức về địa danh, địa lý và đặc biệt là về ngoại ngữ. Quầy thông tin mở không thường xuyên, các tài liệu trưng bày ít hơn so với những hàng lưu niệm bày bán khiến khách hàng cảm thấy mục đích của các quầy thông tin du lịch là bán hàng, giới thiệu sản phẩm nhiều hơn là hỗ trợ thông tin cho khách du lịch".


Điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng là điểm còn hạn chế của du lịch Hà Nội. Người người, nhà nhà kinh doanh, trong nhà và ngoài vỉa hè, thậm chí ngay sát cống rãnh, bốt điện thoại và khu vực ngoài nhà vệ sinh công cộng cũng có thể trở thành nơi chứa hàng hóa. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là với dịch vụ ăn uống đường phố chưa được chú trọng, nhiều hàng quán bày bán thức ăn không che đậy. Những gánh hàng rong vẫn xuất hiện trong khu vực phố cổ và nạn chèo kéo, chặt chém du khách nước ngoài thỉnh thoảng tái diễn dù TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp cho vấn đề này.


Anh David Berse, khách du lịch người Mỹ cho biết, giao thông Hà Nội là yếu tố "gây khó" cho du khách bởi lẽ những dòng xe đạp, xe máy, ô tô nhiều khi đi không theo đúng phần đường quy định. Đặc biệt, nhiều người điều khiển phương tiện luồn lách, vượt đèn đỏ nên du khách cảm thấy lo sợ mỗi khi tham gia giao thông. Môi trường Hà Nội còn hạn chế, đặc biệt là môi trường không khí và âm thanh. Bụi và khí thải từ các điểm xây dựng, phương tiện giao thông làm cho môi trường không khí bị ô nhiễm, hiện tượng ô nhiễm tiếng ồn đã ở mức nghiêm trọng.



Phối hợp liên ngành


Theo các chuyên gia du lịch, để cải thiện các điều kiện hỗ trợ khách du lịch, Sở VH,TT&DL Hà Nội cần tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả của các bốt thông tin, cụ thể là phải "tích hợp" đầy đủ các thông tin cần thiết đối với khách du lịch, bao gồm thông tin về thời tiết, khách sạn, phương tiện đi lại trong thành phố, thời gian phục vụ tại các địa điểm tham quan, mua sắm, ăn uống, bản đồ du lịch, giá cả các dịch vụ thiết yếu, tiền tệ, phong tục tập quán điển hình của Hà Nội, các số điện thoại cần thiết... Hà Nội cũng cần nghiên cứu, đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ công cộng như nhà vệ sinh hiện đại, quầy tạp hóa 24h, tạo cho du khách sự tiện lợi, thoải mái.


Ông Lương Duy Doanh cho rằng, Hà Nội cần có các chương trình, chiến lược tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn hóa đến với người dân bằng nhiều hình thức. Công tác tuyên truyền phải thể hiện sự cụ thể, sát với đời sống, hướng vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, chẳng hạn như nhường đường cho khách qua đường, không phóng nhanh vượt ẩu và đặc biệt là thực hiện giảm thiểu việc sử dụng còi... Những thay đổi từ ý thức cộng đồng sẽ góp phần quan trọng tạo nên hình ảnh về một Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo cảm giác hài lòng cho du khách.


Tại hội thảo "Giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội" diễn ra gần đây, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Trưởng khoa Du lịch và khách sạn thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội nhấn mạnh về sự cần thiết tăng cường sự phối hợp giữa Sở VH,TT&DL và các ngành liên quan. Ví dụ, Sở VH,TT&DL có thể phối hợp với Sở Công thương triển khai, giám sát việc cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm trên địa bàn Hà Nội; phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra nhằm bảo đảm các nhà hàng, khách sạn, quán ăn tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm...


Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, chính vì vậy, sự cố gắng của riêng ngành du lịch Hà Nội là chưa đủ, mà còn cần nỗ lực, hợp tác chặt chẽ của nhiều ngành liên quan. Như vậy mới có thể thúc đẩy du lịch phát triển xứng với tiềm năng của Thủ đô.

 

Nguồn: HNM