Hà Nội: Tìm kiếm giải pháp phát triển du lịch hiệu quả

Cập nhật: 22/04/2015
Nhằm tìm kiếm những giải pháp để du lịch Hà Nội có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn từ những tiềm năng, lợi thếcủa Thủ đô, mới đây Sở VHTTDL Hà Nội đã tổ chức “Hội thảo về giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội”.
 

 

Khách quốc tế tham quan
 

Hầu hết các đại biểu tham gia hội thảo đều đánh giá, với lợi thế về tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, Hà Nội là điểm đến hấp dẫn với du khách muốn tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử. Điều này không phải chỉ du khách và người làm du lịch trong nước tự nói về mình mà các trang mạng du lịch nổi tiếng thế giới cũng đánh giá Hà Nội rất cao. TripAdvisor, trang web du lịch uy tín thế giới liên tục trong năm 2014- 2015 qua ý kiến của hàng triệu người đi du lịch trên khắp thế giới đã bình chọn Hà Nội là một trong 10 điểm đến hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Thủ đô còn là đầu mối tổ chức các loại hình du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử…


Trong những năm gần đây công tác đầu tư phát triển du lịch của thành phố Hà Nội cũng có những chuyển biến tích cực. Hiện nay trên địa bàn thành phố đã đưa vào khai thác một số dự án quy mô vốn đầu tư lớn như: khách sạn JW Marriot với 450 phòng; khách sạn Lotte với 300 phòng; khách sạn Intercontinental Hanoi Landmark 350 phòng; khách sạn Crown Plaza, Grand Plaza... Theo đánh giá của các tổ chức tư vấn, những khách sạn 5 sao mới này của Hà Nội có kết quả hoạt động tốt, công suất sử dụng phòng khoảng 72%, giá thuê phòng trung bình 70- 80 USD/đêm và đã góp phần nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch Thủ đô.


Một số dự án khác như xây dựng sân golf và dịch vụ Long Biên, sân golf và dịch vụ hồ Vân Sơn (Chương Mỹ) đã đưa vào sử dụng, tạo động lực cho phát triển du lịch. Các khu du lịch sinh thái sân golf Sóc Sơn, khu du lịch Thung lũng Xanh, làng sinh thái đồi Gia Nông (Sóc Sơn), các khu resort ngoại thành Hà Nội... cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu, lập dự án đầu tư hoặc đã đang thi công.


Tuy nhiên, về tổng thể thì sự phát triển của du lịch Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị và đầu mối trung chuyển khách lớn nhất cả nước.


Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến tình trạng này mà các đại biểu đưa ra, phân tích ngay tại hội thảo. Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cho rằng: “Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả chưa cao. Kinh phí dành cho quảng bá còn ít và cơ chế tài chính còn chưa được ưu tiên. Cơ chế cấp kinh phí hằng năm cũng thiếu linh hoạt để có thể xây dựng và phát triển kế hoạch xúc tiến chủ động, kịp thời, ứng phó với tình hình thị trường, hạn chế tác động tiêu cực, bất thường của những biến động trong và ngoài nước, ảnh hưởng tới lượng khách du lịch tới Việt Nam và Hà Nội”.


Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng: “Cần nhìn lại vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống sản phẩm du lịch Thủ đô. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải định hướng được từng loại hình sản phẩm du lịch, quy hoạch và tạo ra nguồn lực, cơ chế chính sách hỗ trợ để thực hiện xây dựng sản phẩm thì hoạt động mới bền vững, sản phẩm mới mang sức sống và đi vào thực tế, hiệu quả”.


Nhiều đại biểu nêu ý kiến, phải thống nhất được nhận thức, đánh giá đúng tầm quan trọng và đóng góp của ngành du lịch với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố, có cơ chế phù hợp hỗ trợ cho ngành và các doanh nghiệp du lịch phát triển. Đồng thời, xây dựng và tổ chức bộ máy làm du lịch chuyên nghiệp, có cơ chế và quyền hạn tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, có đủ kinh phí để triển khai các kế hoạch quảng bá, xúc tiến. Bên cạnh đó, cần lựa chọn, phân tích thị trường trọng điểm của du lịch Hà Nội để có thể nghiên cứu xây dựng thiết kế những sản phẩm tour đặc thù phù hợp với mong đợi và thỏa mãn du khách của từng thị trường cụ thể. Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng), du lịch mua sắm, nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa lịch sử... do đó cần tập trung khai thác thế mạnh này.


Bên cạnh đó cần ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong việc thông tin, quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nội thông qua internet, mạng xã hội, các quầy quảng cáo ở nhà ga sân bay, khu vực trung tâm, điểm tham quan; cung cấp các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đồng thời tuyên truyền để người dân Thủ đô nâng cao ý thức, kiến thức văn hóa, nếp sống văn minh để góp phần thu hút khách đến, khách quay lại nhiều lần; quan tâm và xử lý kịp thời các vấn đề rủi ro, khẩn cấp, giúp đỡ khách để làm tăng sự tin tưởng an tâm khi đến du lịch Hà Nội...
 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: “Cần đa dạng hóa các loại hình đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư kinh doanh, xây dựng hạ tầng du lịch; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ... Bên cạnh đó, xúc tiến mạnh và nâng mức ưu đãi (quy định về giao đất, giảm thuế sử dụng, tiền thuê đất) vào các dự án du lịch mới có thể đưa du lịch Hà Nội thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước”.

 

Nguyễn Anh