Gia Lai: Đón bằng công nhận Sử thi Ba Na là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 27/04/2015
Ngày 24/4, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận sử thi của người Ba Na, tỉnh Gia Lai là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
 
Sử thi của người Ba Na được người dân gọi là hơ-mon, là hình thức sinh hoạt dân gian lưu truyền theo cách hát kể truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nội dung sử thi kể về những chiến công kỳ vỹ của các anh hùng dân tộc, liên quan đến những biến động lớn lao của cộng đồng trong lịch sử dưới hình thức những huyền thoại. Chính vì vậy có thể  xem đây là bộ tư liệu “bách khoa” của cộng đồng người Ba Na (cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum).


Tính thời điểm hiện tại, tỉnh Gia Lai hiện có 20 nghệ nhân sử thi Ba Na tiêu biểu đang sinh sống tại các làng của huyện Đăk Pơ, Đăk Đoa, Kbang và Kông Chro. Họ là những người đang sở hữu sống khoảng 70 tác phẩm sử thi dân gian của dân tộc mình. Nhiều câu chuyện trong số đó đã được khảo sát, sưu tầm, công bố. Năm 2014, có 4/15 người là nghệ nhân hát kể sử thi Ba Na được Bộ VHTTDL xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.


Việc sử thi của người Ba Na, tỉnh Gia Lai được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của vinh dự, tự hào đối với nhiều nghệ nhân nói riêng và đồng bào Ba Na nói chung đồng thời khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.

Hơmon (Sử thi) của người Ba Na (huyện Đăk Đoa, huyện Đăk Pơ, huyện Kbang, huyện Kông Chro - tỉnh Gia Lai) được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19 tháng 12 năm 2014.

 

Nguồn: Cinet