Chung tay bảo vệ các loài hoang dã, quý hiếm

Cập nhật: 22/05/2015
Chủ đề của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2015 là “Đa dạng sinh học cho phát triển bền vững” (Biodiversity for Sustainable Development), nhằm khẳng định tầm quan trọng về giá trị, vai trò của đa dạng sinh học (ĐDSH) và bảo tồn ĐDSH đối với phát triển kinh tế, xã hội; kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn ĐDSH.
 

Lời “khẩn cầu” của thiên nhiên

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cùng với sự tăng trưởng kinh tế, suốt hai thập kỷ qua, nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, khiến nhiều loài quý hiếm đã và đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Nguyên nhân khiến nạn buôn bán, tiêu dùng trái phép động vật hoang dã vẫn tiếp diễn là do mô hình tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững, ý thức của người dân chưa cao…

Thực tế, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) đã trở thành một mối quan ngại lớn đối với công tác bảo tồn ĐDSH và sự nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nhu cầu sử dụng ĐVHD làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng dường như không giảm mà có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Theo kết quả thống kê của Cục Kiểm lâm, từ năm 2010 đến nay, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, vi phạm về quản lý ĐVHD là 3.823 vụ, tịch thu 58.869 cá thể ĐVHD, đặc biệt 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm.

 

Đạp xe kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

 

Tiêu thụ trái phép ĐVHD không chỉ hủy diệt quần thể loài động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, làm tổn hại đến ĐDSH, môi trường, mà còn làm Việt Nam mất đi một phần di sản văn hóa, các điểm du lịch sinh thái quan trọng và suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đưa đến các hệ lụy về mặt xã hội như gia tăng các vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới tập quán tiêu dùng thực phẩm, môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật, hình ảnh, uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều đáng buồn là, do thiếu hiểu biết về tác dụng mong muốn từ các loài động vật hoang dã của một bộ phận không nhỏ người dân, họ đã có những hành xử thô bạo đối với những loài đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng và được nghiêm cấm săn bắn và giết hại. Kết quả khảo sát kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến sử dụng ĐVHD tại Hà Nội năm 2014 của Viện Xã hội học và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho thấy 19% người trả lời có ý định hoặc tiếp tục sử dụng thực phẩm làm từ ĐVHD, trong đó 34% sử dụng làm thuốc và 17% sử dụng đồ trang trí.

Đơn cử, tại các tuyến quốc lộ, không khó để bắt gặp cảnh những biển hiệu nhà hàng quảng cáo thịt thú rừng ở khắp mọi nơi. Với nhiều người có suy nghĩ lệch lạc, việc ăn thịt thú rừng hoặc sử dụng các sản phẩm từ thú rừng càng quý, độc và “dị” thì được coi là một sự sành điệu, là cách để chứng tỏ “đại gia” nhiều tiền. Những điều này minh chứng cho tình trạng giết hại và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã đang diễn ra tràn lan đồng thời cũng cho thấy nhận thức của một bộ phận dân cư còn thờ ơ trước số phận của những loài động vật đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Cùng hành động

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động thiết thực và quyết liệt để bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Điều này được thể hiện bằng việc hệ thống pháp luật về ĐDSH không ngừng được hoàn thiện. Bên cạnh hệ thống pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, hệ thống pháp luật về thủy sản thì Luật ĐDSH năm 2008 là văn bản pháp lý cao nhất, điều chỉnh toàn diện nhất các vấn đề về đa dạng sinh học.

Tiếp đó, Nghị định 160 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 179 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nhiều văn bản về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch hành động, thông tư hướng dẫn cũng đã được ban hành đồng bộ, tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật về đa dạng sinh học.

Ngoài ra, các văn bản pháp luật về tư pháp, về môi trường, về đầu tư cũng không ngừng hoàn thiện, đồng bộ với pháp luật về đa dạng sinh học như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 cũng quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với mức hình phạt tù cao nhất lên tới 7 năm; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng đề cập tới trách nhiệm bồi hoàn ĐDSH.

Nhờ đó, công tác bảo tồn các loài ĐVHD cũng đạt được những thành tựu đáng kể như gia tăng, phục hồi một diện tích các hệ sinh thái được bảo vệ; phát hiện mới nhiều loài có ý nghĩa về mặt khoa học và bảo tồn, phục hồi và phát triển nhiều nguồn gen quý được chọn lọc và nhân nuôi.

Một điểm nhấn nữa trong công tác bảo tồn, Việt Nam cũng đã thành lập Mạng lưới thực thi pháp luật về động, thực vật hoang dã Việt Nam (Việt Nam-WEN). Đây là lực lượng công tác liên ngành chống buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, bao gồm cảnh sát, hải quan và các cơ quan môi trường, Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối quốc gia. Việt Nam-WEN là một thành viên có vai trò lớn của khu vực liên chính phủ ASEANWEN và trong năm 2014, Việt Nam giữ vị trí chủ tịch ASEAN-WEN.

Việc hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học đã góp phần tích cực trong thực thi các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ loài hoang dã tại Việt Nam.

 

Ngày 22/52015, tại Công viên Bách Thảo (Hà Nội), Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế đa dạng sinh học 2015 với sự hiện diện của hơn 300 khách mời từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH. Tiếp nối lễ mít tinh là Tọa đàm bàn tròn với chủ đề Liên kết bảo tồn ĐDSH vì sự phát triển bền vững và hoạt động Triển lãm hình ảnh cây di sản, phát hành chuyên san về ĐDSH; trưng bày các tài liệu, ấn phẩm truyền thông về ĐDSH.

Theo Xuân Hợp/ Báo Tài nguyên & Môi trường, 21/05/2015

 

Nguồn: ThienNhien.Net