Một số Đại biểu (ĐB) đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này trong tình hình hiện nay nhằm thể chế hóa các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Liên quan đến vấn đề thời gian qua, nhiều chủ đầu tư được cấp phép, sử dụng bờ biển, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận biển của người dân, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần quy định rõ về bảo đảm nguyên tắc được tiếp cận biển của cộng đồng. Hiện nay, vai trò của người dân, DN tham gia bảo vệ biển còn khá mờ nhạt.
Bên cạnh đó, theo ĐB Trang, dự thảo luật thiếu các công cụ kết nối các ngành trong bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
Biển, hải đảo không chỉ có ý nghĩa về mặt chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà còn có giá trị lớn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến phát biểu tại hội trường cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế biển chưa được đề cập đến nhiều trong dự thảo luật. Theo đại biểu (ĐB) Trần Văn Huynh (đoàn Kiên Giang), hầu hết các quy định trong dự thảo luật thuộc về quản lý Nhà nước đối với tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mà chưa đề cập đến kinh tế biển, hải đảo và các tài nguyên khác liên quan như khoáng sản, dầu khí…
Dự thảo cũng chưa làm rõ được Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế biển, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. “Hiện nay, chúng ta còn thiếu thông tin về tài nguyên thiên nhiên, thiếu hạ tầng, thiếu biện pháp quản lý rủi ro kinh doanh liên quan đến khu vực biển, hải đảo… dẫn tới sự e ngại của các nhà đầu tư. Cần phải bổ sung hệ thống thông tin, quy hoạch, cơ sở dữ liệu biển, hải đảo… tiến tới công bố, tạo cơ chế để tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin rõ ràng” – ĐB Trần Văn Huynh chia sẻ.
Nước ta có trên 3.200km bờ biển với nhiều tiềm năng dầu mỏ, khoáng sản, thủy hải sản, chưa kể vùng đặc quyền thềm lục địa. Điều này cho thấy ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là cần thiết. ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị cần bổ sung quy định, Nhà nước chịu trách nhiệm quy hoạch tổng thể biển, hải đảo, sau đó phân cho các bộ, ngành liên quan làm quy hoạch chuyên ngành. Chính phủ nên giao cho một Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm về lĩnh vực này.
Theo ĐB Bùi Thị An, thời gian qua việc quản lý biển, hải đảo bị chia cắt nhỏ với sự tham gia của nhiều Bộ như: NN&PTNT, GTVT, TN&MT… Do đó dẫn tới sự chồng chéo trong quản lý và công tác quy hoạch, đánh giá tiềm năng biển, hải đảo chưa hiệu quả. ĐB An đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển vì hiện nay ngành này đóng góp 50% GDP cả nước. ĐB Bùi Thị An cũng nêu dẫn chứng, qua thực tế tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), việc triển khai xây bến neo đậu, dự báo khí tượng thủy văn, chế biến, bảo quản…liên quan đến rất nhiều bộ, ngành nên phải xin ý kiến rất lâu, do đó nên tập trung quản lý vào một đầu mối.
Một số ĐB khác cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đồng thời quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Trong đó riêng với Bộ NN&PTNT, cần làm rõ trách nhiệm trong hoạt động quản lý khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển và nâng cao vai trò của lực lượng kiểm ngư trong hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển…
Dự kiến ngày 25/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.