Bảo tồn, phát huy giá trị điệu xòe của dân tộc Thái

Cập nhật: 03/06/2015
Tìm hiểu, nghiên cứu điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc… là mục đích của trại sáng tác “Sưu tầm, chính lý, nâng cao một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La” vừa được Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức.

 

Tham gia trại sáng tác có 25 trại viên được chia thành các tổ: sưu tầm, nghiên cứu dân gian; múa; âm nhạc và quay phim. Qua 9 ngày đi thực tế, gặp gỡ và trao đổi với một số nghệ nhân, nhạc công dân gian, diễn viên thể hiện các điệu xòe truyền thống tại bản Áng, xã Đông Sang; bản Nà Bó, xã Mường Sang (Mộc Châu); bản Tủm, xã Chiềng Khoi; bản Nà Và, xã Viếng Lán (Yên Châu); bản Chẩu Quân, Nghé Toỏng, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) và bản Bó, phường Chiềng An, bản Hụm, xã Chiềng Xôm (thành phố). Các trại viên đã sưu tầm, nghiên cứu được 38 điệu, kiểu, động tác xòe truyền thống dân tộc Thái và các nhạc cụ sử dụng phục vụ múa xòe.
 

Qua trại sáng tác, các trại viên đã thu thập, phân tích và nhận định, các điệu múa xòe của dân tộc Thái đã có từ xa xưa và mang tính cộng đồng cao. Mỗi bước xòe, con người thêm gần gũi, chan hòa với nhau hơn. Trải qua nhiều năm, xòe Thái đã phát triển thành nhiều điệu xòe khác nhau, tên gọi khác nhau nhưng đều bắt nguồn từ những điệu xòe cơ bản đó là xòe vòng tròn. Không phân độ tuổi, giới tính, không hạn chế số người tham gia, có thể xếp thành nhiều vòng tròn tùy theo số lượng người tham gia. Về động tác xòe, đều có những động tác cơ bản như cầm tay nhau, vỗ tay, tung khăn, chuyển chân, nhấc chân, người nghiêng phải, nghiên trái… tất cả các động tác đó đều mang tính cộng đồng sâu sắc.


Xuất phát từ quan niệm mặt trời mọc từ Đông sang Tây, trái đất thì xoay ngược lại bởi vậy vòng xòe luôn luôn xoay theo chiều ngược kim đồng hồ (từ trái qua phải), và người Thái tin rằng làm như vậy mới thuận theo đất trời, mưa mới thuận, gió mới hòa, mọi sự suôn sẻ, tốt đẹp. Các điệu xòe cổ đều được tổ chức vào những dịp như: mừng nhà mới, đám cưới, chúc thọ, xên bản, xên mường... Múa xòe Thái mang đậm chất nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn kết cộng đồng bền vững, tình cảm con người với nhau, giúp mọi người đoàn kết gần gũi, thêm tin yêu cuộc sống.


Nhạc cụ dùng phục vụ xòe cổ gồm: 1 trống, 2 cồng, 1 chũm chọe. Âm nhạc cho múa xòe thể hiện quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa, khi tiếng trống là âm thanh của mặt đất, tiếng cồng là sự vang vọng của bầu trời, tiếng chũm chọe là biểu tượng “phồn thực” của muôn loài. Nhịp điệu múa xòe có 3 giai điệu lặp đi lặp lại theo tiếng nhạc là “tùng tùng rinh, rinh rinh tùng” để tượng trưng cho 3 vía là trời, đất, con người. Ở giữa vòng xòe của người Thái xưa được dựng lên một cây cột gọi là “cây xén xính” nghĩa là cây vạn vật, trên cây treo hình thù các con vật trên cạn, dưới nước, hình mặt trăng, mặt trời được đan bằng tre hoặc đẽo bằng gỗ. Về đêm có thể múa xòe quanh đống lửa vừa làm tâm điểm của vòng xòe vừa lấy ánh sáng cho đêm xòe...


Để bảo tồn và phát huy giá trị điệu xòe truyền thống dân tộc Thái, các trại viên đã đề xuất lựa chọn một số động tác cơ bản cuốn hút, dễ thực hiện để biên sọan, biên tập phổ biến rộng rãi; tiếp tục phát huy các nhạc cụ truyền thống (trống, chiêng, chũm chọe…) làm nhạc phục vụ xòe để giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc; lựa chọn những giai điệu, âm thanh, tiết tấu rộn ràng, phong phú về âm hình tạo cảm hứng, cuốn hút người tham gia xòe làm nền tảng để hòa thanh phối khí nhạc xòe vòng cộng đồng...


Xòe Thái một nét đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Thái với tính chất cộng đồng xã hội rộng phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều dân tộc. Bởi vậy, việc bảo tồn và quảng bá điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái là việc làm cần thiết, góp phần lưu giữ, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.

 

Nguồn: Báo Sơn La