Với mục tiêu hướng các doanh nghiệp vừa và nhỏ bảo vệ động thực vật hoang dã thông qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Buổi tập huấn vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – TRAFFIC tổ chức tại Quảng Bình để tập huấn cho hơn 30 giảng viên cao cấp của VCCI những kỹ năng, kiến thức, tiếp thị xã hội về truyền tải thông điệp bảo vệ động vật hoang dã.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Tại đây các giảng viên được tập huấn cách tuyên truyền, thúc đẩy bảo vệ động thực vật hoang dã thông qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và tiếp thị xã hội.
Dự kiến tháng 6 năm 2016, các giảng viên sẽ lồng ghép bảo vệ động thực vật hoang dã trong các đợt tập huấn của VCCI cho khoảng 5.000 đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp cả nước. Hội thảo giúp các giảng viên nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ các loài động vật đang bị đe dọa và cùng đưa ra kế hoạch hành động. Để khẳng định sự đóng góp vào hiệu ứng lan tỏa trên, các giảng viên sẽ cùng ký tên thể hiện cam kết của mình trở thành những người đi tiên phong trong công cuộc bảo vệ động thực vật hoang dã thông qua thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng đối với việc tiêu thụ các loài đang bị đe dọa, đặc biệt là sừng tê giác.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, thông qua Hội thảo hy vọng các giảng viên và doanh nhân sẽ truyền tải thông điệp bảo vệ động vật hoang dã đến khắp cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng.
Khóa tập huấn này là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động mà VCCI và TRAFFIC ký kết ghi nhớ về hỗ trợ cho việc thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt nhất trong đạo đức kinh doanh và thay đổi hành vi người tiêu dùng, cũng như cách tiếp cận không khoan nhượng đối với việc tiêu thụ động thực vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác. Qua việc nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, sự hợp tác giữa hai tổ chức cũng đóng góp vào những nỗ lực toàn cầu nhằm xóa sổ nạn buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã, và đảm bảo việc buôn bán các loài này không là mối đe dọa đối với bảo tồn thiên nhiên.
Trước thực trạng động vật hoang dã đang bị xâm hại nghiêm trọng, việc bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã là vấn đề cần cả xã hội quan tâm, trong đó đặc biệt là loài tê giác trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhu cầu sử dụng sừng tê giác đột biến một vài quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng săn trộm tại Châu Phi, Bà Madelon Willemsen, Trưởng Đại diện của TRAFFIC cho biết.
TRAFFIC là liên minh chiến lược giữa WWF và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).Hoạt động của TRAFFIC tập trung vào các lĩnh vực chính bao gồm việc triển khai và thực thi Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động thực, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và các luật pháp liên quan.
Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – TRAFFIC hoạt động nhằm đảm bảo việc buôn bán các loài hoang dã không là mối đe dọa tới bảo tồn thiên nhiên
|