Bảo vệ ''lá phổi xanh'' Sơn Trà

Cập nhật: 02/07/2015
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sơn Trà nằm trên bán đảo Sơn Trà (thuộc địa bàn Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có diện tích 2.536,7 ha, được coi là “lá phổi xanh” góp phần che chắn mưa gió, điều hòa khí hậu của Đà Nẵng.

Nơi đây có hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú với 985 loài thực vật thân gỗ đã được thống kê, trong đó  có 22 loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng; có 171 loài động vật có xương sống, trong đó có 15 loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng như loài voọc ngũ sắc được ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam.

Hàng năm, khu vực này có nguy cơ cháy rừng cao do chịu nhiều tác động, nhất là hoạt động du lịch. Hiện nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà, UBND TP Đà Nẵng đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, trong đó phát triển du lịch sinh thái là mũi nhọn, đây là cơ hội nhưng đồng thời là thách thức đối với công tác bảo vệ rừng (BVR). Mặt khác, tình trạng người dân trong và ngoài địa phương xâm nhập vào  rừng trái phép để khai thác lâm sản ngoài gỗ, bẫy bắt động vật hoang dã, đào gốc cây rừng làm cảnh, đốt than… đặt ra cho công tác BVR tại Khu BTTN Sơn Trà nhiều thách thức mới.

Các lực lượng phối hợp tham gia chữa cháy tại núi Sơn Trà. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn (Hạt KL), đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống chữa cháy rừng BTTN thì trong năm 2014, Hạt đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và P. Thọ Quang tiến hành tuần tra, kiểm tra rừng được 30 đợt, tại 32 điểm thuộc các tiểu khu 62, 63 và 64. Qua đó đã phát hiện và phá hủy 15 mét rào bẫy, 3 lán trại, 1 hầm than; tháo dỡ và thu giữ 290 dây bẫy bằng ruột phanh xe đạp, đưa ra khỏi rừng 10 người, phát hiện, thu giữ và thả lại rừng 2 con cầy hương.

Lực lượng KL tăng cường tuần tra, chốt chặt trên các tuyến đường giao thông trên bán đảo Sơn Trà, ngăn chặn kịp thời các đối tượng xâm nhập trái phép vào rừng và các hành vi khai thác lâm sản ngoài gỗ, bẫy bắt động vật hoang dã trái phép. Năm 2014, Hạt đã phát hiện, lập biên bản, xử lý 11 vụ vi phạm, tịch thu sung công quỹ Nhà nước 3,086m3 gỗ xẻ, tịch thu thả lại rừng 1 con khỉ đuôi lợn, 1 con chim chào mào, tổng số tiền phạt hành chính và bán lâm sản tịch thu là 84,86 triệu đồng, tiếp nhận và thả vào rừng 1 con trăn đất, 1 con mèo rừng, 1 voọc chà vá chân nâu, 1 con khỉ vàng và 1 con khỉ đuôi dài.

Trong công tác PCCC rừng, Hạt đã tổ chức cho 24 đơn vị đóng quân trên bán đảo Sơn trà, 22 hộ dân nhận khoán trồng rừng và 496 hộ dân thuộc 18 tổ dân phố ven rừng thuộc P. Thọ Quang ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác PCCCR, thường xuyên rà soát các vùng trọng điểm, các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, tăng cường công tác canh phòng lửa rừng, nhất là thời điểm nắng nóng, khô hanh từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, đảm bảo công tác trực cháy 24/24 giờ trong ngày. Hạt thường xuyên phân công cán bộ tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn các trường hợp xây dựng, cơi nới trái phép trên đất lâm nghiệp thuộc bán đảo Sơn Trà; lắp đặt  30 biển báo BVR và PCCCR; tổ chức công bố quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng TP giai đoạn 2011-2020.

Hiện nay trên bán đảo Sơn Trà có 12 dự án kinh doanh du lịch sinh thái được UBND TP Đà Nẵng cho thuê đất, trong đó 2 dự án đã đi vào hoạt động là Khu du lịch Bãi Bắc và Khu du lịch dịch vụ cao cấp Sơn Trà Resort, có 15 hộ gia đình đang kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát. Theo phương án quản lý BVR và phát triển rừng năm 2015,  Q. Sơn Trà đặt mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; giảm thiểu thiệt hại tài nguyên rừng do các hành vi vi phạm và do cháy rừng gây ra; tăng cường quản lý rừng trên hồ sơ và thực địa, chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép; chủ động phòng tránh các nguy cơ gây cháy rừng; nâng cao độ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học rừng.

Về các biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ông Lê Phước Bảy, Phó Hạt trưởng Hạt KL cho biết: Ngoài lực lượng của Hạt KL còn ký hợp đồng lao động với 2 người để thực hiện nhiệm vụ BV&PCCCR; ký hợp đồng với lực lượng phản ứng nhanh PCCCR của Q. Sơn Trà gồm 6 người để thực hiện tuần tra, kiểm tra, cảnh giới lửa  rừng trong mùa khô, kịp thời dập tắt đám cháy khi mới phát lửa; duy trì củng cố các tổ, đội quần chúng BVR, PCCCR tại các tổ dân phố gồm 34 người. Năm 2015, Hạt KL xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng kiểm tra truy quét chống chặt phá rừng mỗi tháng từ 6 đến 10 đợt tại các khu vực: tuyến Tiên Sa-535-Suối Đá; tuyến 535-Bãi Bắc-Cây Đa và tuyến từ Suối Đá- Định 696-Bãi Nam.

Ngoài ra, Hạt sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các nguồn sinh lửa khu vực có rừng, đặc biệt đối với hoạt động sản xuất trên đất rừng và du lịch dã ngoại; chuẩn bị phương tiện tại chỗ đảm bảo huy động kịp thời khi có cháy; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR; vận động nhân dân tích cực trồng rừng kinh tế đúng quy trình, quy phạm đảm bảo có năng suất và chất lượng cao.

 

Lực lượng kiểm lâm Sơn Trà tuần tra bảo vệ rừng và thả lại rừng động vật hoang dã bị săn bắt trái phép. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Kiến nghị bổ sung các biện pháp PCCCR, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đề nghị cần xây dựng các trụ nước, bể nước trên các tuyến đường chính lên núi Sơn Trà để phục vụ việc chữa cháy vì hiện nay nguồn nước chữa cháy chủ yếu vẫn lấy từ Hồ Xanh, Khu du lịch Bãi Bắc hoặc phải lấy nước biển với quãng đường rất xa. Đối với những tuyến đường đã được tổ chức phát quang cần phải thu dọn cỏ rác vì đây là nguồn rất dễ gây cháy.

Các đơn vị đóng trên rừng Sơn Trà phải lập phương án PCCCR, khi xảy ra cháy cần thống nhất các lực lượng và phải chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm và có người đi chữa cháy mà chỉ có tay không và đứng nhìn. Chỉ đạo quyết liệt việc PCCCR, bà Trần Thị Thanh Tâm, Quyền Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà yêu cầu Hạt KL và lực lượng Phòng CS PCCC số 3 phải tăng cường kiểm soát việc đốt than, đốt thực bì, cỏ lau, bụi khô trên núi Sơn Trà, nhất là  trong các tháng cao điểm của mùa nắng nóng; tăng cường lực lượng TTKS nhắc nhở nhân dân trong việc thắp hương, đốt vàng mã vào các ngày rằm, mồng một, đề phòng gây cháy lan, đồng thời cho biết sẽ phạt nặng các doanh nghiệp không lập phương án PCCCR.

Với nhiều biện pháp quyết liệt và nỗ lực giữ rừng của chính quyền và các ngành liên quan Q. Sơn Trà, hy vọng “lá phổi xanh” Sơn Trà sẽ được bảo vệ, giảm thiểu tình trạng cháy và phá rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực bán đảo Sơn Trà.

Nguồn: ThienNhien.Net