Mở rộng diện tích, phát triển bền vững biển đảo

Cập nhật: 16/07/2015
Có ý kiến cho rằng cần phải đẩy mạnh việc mở rộng diện tích các khu biển của Việt Nam được bảo vệ, bảo tồn ít nhất lên 2% chứ không chỉ 0,2% như hiện nay; đồng thời áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững.


TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Quản lý Biển & Hải đảo, cho biết biển Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2, gần 3.000 hòn đảo và tài nguyên sinh vật biển có trên 20 kiểu hệ sinh thái, với năng suất sinh học cao, tài nguyên lớn, là nơi cư trú của khoảng 11.000 loài, trong đó trên 2.000 loài cá, đặc biệt có mặt các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn.  

Năm 2002, Viện Tài nguyên Quốc tế đã thống kê có tới 80% rạn san hô của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe dọa (nguy hiểm), trong đó 50% nguy cấp. Hiện tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, khai thác hải sản hủy diệt, đô thị hóa, sử dụng thiếu quy hoạch bãi triều, nuôi trồng hải sản, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, a xít hóa đại dương, giao thông hàng hải. Bởi vậy, cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững.

Theo TS Dư Văn Toán, căn cứ vào thực trạng khai thác, bảo tồn và những yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ, phát triển tài nguyên môi trường biển Việt Nam, 
một số phương pháp tiếp cận bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường biển trong thời gian tới được đề xuất.

Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần sớm xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật đồng bộ về bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Một Tổ chức cấp quốc gia thống nhất để quản lý và quy hoạch các khu bảo tồn - bảo vệ tài nguyên môi trường biển cần được thành lập.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc mở rộng diện tích các khu biển của Việt Nam được bảo vệ, bảo tồn ít nhất lên 2% chứ không chỉ 0,2% như hiện nay, trong đó cập nhật bổ sung và đa dạng hóa các phương pháp tiếp cận mới như xây dựng “Công viên biển”, “Di sản biển”, “Kì quan biển”, “Vùng biển nhạy cảm”, “Vùng biển đặc biệt”, “Khu bảo tồn cá heo”, “Khu bảo vệ bờ biển”, “Khu bảo tồn san hô”, “Khu rừng ngập mặn”, “Khu cỏ biển”, “Khu bảo vệ biển dựa vào cộng đồng”….  

Để thực hiện mục đích trên, yêu cầu trước mắt là Nhà nước cần xây dựng Bảo tàng biển quốc gia tại Hà Nội và hệ thống bảo tàng biển, đảo tại các địa phương nhằm bảo vệ tất cả lịch sử phát triển, tài nguyên thiên nhiên và sinh thái môi trường khu vực biển và hải đảo Việt Nam, phục vụ công tác phổ biến kiến thức và nghiên cứu khoa học, trao đổi hiện vật và hợp tác quốc tế về các công tác bảo tàng, bảo tồn tài nguyên, môi trường biển.  

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần xây dựng ngân hàng bảo tồn gene các sinh vật biển nguy cấp, quý, hiếm. Không phải quốc gia nào cũng có biển và tài nguyên môi trường biển. Chúng ta cần ý thức, đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của nguồn tài nguyên này. 

Đa dạng hóa và áp dụng nhiều phương thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển là công việc thiết thực và hiệu quả để góp phần vào việc khai thác, sử dụng, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quý giá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.  

Để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam "Trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển", cũng như phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp từ 53 đến 55% GDP và từ 55 đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, bên cạnh việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống của người dân vùng biển và ven biển, thì việc ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển 
có một vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 
 

Thanh Thảo (MOITRUONG.COM.VN/TH)

 

Nguồn: moitruong.com.vn