Một cơ sở Homestay ở xã Tả Van.
Còn nhớ hồi đầu năm, trong một cuộc hội thảo về định hướng phát triển du lịch cộng đồng, một lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam đã khẳng định: “Để phát triển du lịch cộng đồng ở làng cổ Đường Lâm cần lấy Sa Pa của Lào Cai làm mô hình học tập”. Quả không sai, so với các địa phương khác trong cả nước, Lào Cai là một trong những tỉnh dẫn đầu về phát triển du lịch cộng đồng, với gần 300 điểm lưu trú tại gia. Năm 2010, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đón 184.740 lượt khách; năm 2014 con số này tăng lên gần 300.000 lượt. Ở những bản, làng mà người dân địa phương tham gia mô hình du lịch này đã có sự đổi thay rất lớn; đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, phong quang, nhà cửa được sửa sang. Có thể nói, du lịch cộng đồng đã mang một làn gió mới, làm thay đổi diện mạo nhiều bản, làng vùng cao trong tỉnh, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Mô hình du lịch homestay ở Lào Cai phát triển mạnh như hiện nay là do “hữu xạ tự nhiên hương”, bởi tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng như đường giao thông khá thuận tiện, đặc biệt là có nhiều địa danh nổi tiếng như: Tuyến đường mòn đi bộ đẹp nhất thế giới ở Sa Pa; chợ văn hóa Bắc Hà - một trong 10 chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á; ruộng bậc thang Sa Pa - một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới…Lào Cai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ khá toàn vẹn, như kiến trúc nhà ở, lễ hội truyền thống, trang phục của người dân, nghề thủ công... đã tạo sức hút mạnh với du khách.
Đến xã Tả Van (Sa Pa) những ngày hè, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hình ảnh trẻ em người nước ngoài nô đùa với trẻ em người địa phương rất tự nhiên, vui vẻ và thân thiện như thể đã sống gần nhau từ nhỏ. Đây đó, từng tốp du khách nước ngoài tham quan khu sản xuất nông nghiệp, các thắng cảnh, hoặc điểm làm nghề thủ công truyền thống…theo lời giới thiệu của các “hướng dẫn viên” người địa phương. Hầu hết du khách nước ngoài rất thích loại hình du lịch cộng đồng ở Tả Van, bởi tại đây, họ được tự do thưởng ngoạn những thắng cảnh hùng vĩ, tươi đẹp; được tự mình khám phá những nét văn hóa nguyên sơ nhưng cũng rất đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, được làm “công dân” thực thụ của vùng đất này.
Những thành công trong phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh tuy rất khả quan, nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, việc phát triển loại hình du lịch này vẫn còn nhiều bất cập. Ở nhiều nơi, loại hình homestatay chỉ mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản. Đa số các mô hình do người dân tự đứng ra tổ chức; hình thức hoạt động mang ý nghĩa tham quan là chính, còn việc tìm hiểu đời sống, văn hóa của người dân bản địa để cảm nhận cái hay, cái đẹp vẫn chưa đạt được như mong muốn. Ở một số nơi, việc du nhập các loại hình dịch vụ ngoại lai, không phù hợp với văn hóa của đồng bào các dân tộc đã phá vỡ cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống.
Chúng tôi ghé thăm điểm lưu trú du lịch homestay của gia đình bà Lý Thị Lỳ, thôn Tả Van Giáy 2, một trong những hộ đầu tiên ở xã Tả Van làm du lịch cộng đồng. Bà Lỳ chia sẻ: Làm du lịch homestay theo đúng nghĩa không đơn giản. Tôi thấy, với loại hình du lịch này, dịch vụ, phòng nghỉ, ăn uống không phải là vấn đề quá lớn, bởi du khách chọn “homestay” tức là chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu; quan trọng nhất là làm sao mình tạo cho họ cảm giác thoải mái, thấy yêu thích cuộc sống và nét văn hóa đặc sắc của vùng đất nơi họ đến. Vì thế, ngôi nhà của gia đình tôi làm đón khách được xây dựng mang tính chất điển hình, đặc trưng cho văn hóa, nếp sinh hoạt của dân tộc mình. Tuy nhiên, qua tham quan học tập, tôi thấy loại hình du lịch này ở một số nơi đang dần phát triển theo hướng tiêu cực và nếu cứ duy trì như vậy thì sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch homestay của Sa Pa.
Là người tâm huyết với mô hình du lịch cộng đồng, ông Sần Cháng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cũng trăn trở: Việc phát triển du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế phát triển của ngành du lịch trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của phần lớn du khách trong và ngoài nước. Nhưng loại hình du lịch này cần có giải pháp, định hướng tốt thì mới có thể phát triển bền vững được. Hiện, có rất nhiều người từ các tỉnh miền xuôi lên xã Tả Van thuê nhà, thuê đất của người dân địa phương để mở các điểm du lịch homestay, nhưng họ đơn thuần chỉ là xây nhà để cho thuê phòng, kinh doanh dịch vụ ăn uống và một số dịch vụ khác. Điển hình như tại thôn Tả Van Giáy 1 - nơi tôi đang sống, hiện có 50 điểm nghỉ homestay thì có khá nhiều điểm là của người dân nơi khác đến thuê. Như vậy, những điểm nghỉ này không thể làm du lịch cộng đồng đúng nghĩa để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc địa phương mà là xây nhà nghỉ tại các thôn, bản để cho khách thuê nghỉ.
Du lịch cộng đồng ở Lào Cai mới phát triển ở giai đoạn đầu, để mô hình này phát triển bền vững, thiết nghĩ các cấp, ngành trong tỉnh cần có những giải pháp quản lý phù hợp; tuyên truyền để người dân giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, địa phương. Bên cạnh đó, địa phương cần có quy định cụ thể về tiêu chí điểm nghỉ homestay để tránh những loại hình dịch vụ không đúng với thuần phong và bản sắc văn hóa các dân tộc./.