Du thuyền sông Hàn được trang bị hiện đại nhất vừa đưa vào hoạt động dịp lễ 30-4.
Hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch đường sông, các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã đầu tư sửa chữa, đóng mới nhiều tàu phục vụ du lịch như Tàu Rồng sông Hàn với sức chứa 250 chỗ, tàu du lịch Phú Quý, du thuyền Seahorses của Công ty TNHH Du thuyền Ngựa Biển có sức chứa 30 người, du thuyền Harems của Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Gia... Hiện nay, trên sông Hàn có 25 tàu du lịch, trong đó mới có 15 tàu được cấp phép hoạt động. Trong số 10 tàu chưa được cấp phép, có 7 tàu thiếu các thủ tục để được cấp phép và 3 tàu đóng bằng chất liệu vỏ nhôm, xi măng nên không phù hợp theo tiêu chuẩn đăng kiểm hiện nay. Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đang hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị này hoàn thiện các thủ tục để được cấp phép cho các tàu hoạt động.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư các phương tiện phục vụ du lịch trên sông Hàn, tháng 12/2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển cầu tàu du lịch tại các điểm đến và tàu du lịch trong các tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Thành phố đã hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu cho Công ty Hoàng Long Yến và Công ty An Pha Sơn với số tiền gần 50 triệu đồng, 7 cá nhân trên địa bàn thành phố cũng được hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền trưởng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý du lịch đường thủy nội địa, ngày 7/7/2015, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng thuộc Sở Giao thông Vận tải. Thành phố đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp, văn minh du lịch cho thuyền trưởng và nhân viên phục vụ trên tàu. Tháng 8/2015, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng cho các các lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu hoặc thuyền vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thành phố; ban hành bài thuyết minh về du lịch đường sông nhằm đảm bảo thống nhất trong thông tin hướng dẫn, giới thiệu cho du khách, tăng tính chuyên nghiệp của du lịch Đà Nẵng.
Xác định việc đầu tư xây dựng cầu tàu, bến bãi là yếu tố then chốt cho việc phát triển du lịch đường sông, tuy nhiên hiện Đà Nẵng vẫn gặp khó khăn trong phát triển du lịch đường sông. Thành phố chưa có cầu tàu, bến bãi cố định. Mặc dù thành phố đã quy hoạch 9 vị trí neo đậu và đón trả khách trên sông Hàn nhưng hiện mới chỉ có 1 đơn vị đầu tư hệ thống cầu tàu tại vị trí X3 - đầu cầu Rồng. Theo chủ trương của thành phố, tất cả các tàu du lịch đang thực hiện việc neo đậu tại Cảng sông Hàn (cũ). Tuy nhiên, điểm neo đậu này mới chỉ là tạm thời nên chưa tạo tâm lý ổn định kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch đường sông. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở các điểm neo đậu vẫn thiếu nên rất khó phục vụ du khách chu đáo. Chưa kể, hầu hết các tàu du lịch được cải hoán từ tàu đánh cá nên chất lượng phục vụ du lịch không cao. Về việc này, UBND thành phố Đà Nẵng chủ trương không khuyến khích những tàu hoán cải, tàu cá và tiến đến chỉ có các tàu mới, đảm bảo dịch vụ, chất lượng tốt mới được đưa vào sử dụng trong hoạt động du lịch. Theo lộ trình, đến ngày 1/1/2016, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện chủ trương này. Đối với các tàu hoán cải hiện nay vẫn được phép hoạt động nhưng phải có đủ giấy phép và theo niên hạn, Đà Nẵng sẽ dần loại bỏ những tàu hoán cải không đảm bảo theo quy định...
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường: Trong phát triển du lịch đường sông, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư các cầu tàu du lịch, bến du thuyền; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng mới các tàu du lịch có quy mô lớn, hình thành đội tàu du lịch đồng nhất, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố đề nghị lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương cho cải tạo Cảng sông Hàn (cũ) thành Cảng du lịch cố định. Trước mắt, thành phố bổ sung các hạng mục điện, nước, nhà chờ cho khách, nhà vệ sinh, thùng đựng rác, điện chiếu sáng, cổng chào… để kịp phục vụ du khách; đề nghị UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, chỉ đạo Công ty quản lý Cầu đường là đơn vị tạm thời quản lý toàn bộ hoạt động của Cảng sông Hàn, có trách nhiệm đảm bảo các yếu tố hoạt động của Cảng; đề nghị thành phố sớm xây dựng và hoàn thiện phương án thiết kế cho khu vực Cảng sông Hàn và hai bên bờ sông Hàn từ Cầu Trần Thị Lý đến Cầu Thuận Phước. Đà Nẵng cần ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cầu tàu, bến đỗ du thuyền tại các vị trí đã được thành phố quy hoạch; tiếp tục phát triển các khu du lịch, điểm dịch vụ dọc tuyến sông Hàn, bán đảo Sơn Trà và các khu đô thị ven sông, từng bước hình thành các tour, tuyến du lịch đường sông hấp dẫn .
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng kế hoạch khai thác một số tuyến du lịch mới trên sông Hàn; đề nghị lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, UBND quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, huyện Hòa Vang khảo sát thực tế, lập dự toán kinh phí cụ thể đầu tư các điểm đến phục vụ du lịch đường sông như: Khu di tích K20, Túy Loan, các điểm dọc sông Cu Đê để hình thành các tuyến du lịch mới; đề xuất thành phố xem xét phá dỡ đập Bờ Quan và đập Đồng Nò để khơi thông và khai thác hiệu quả tour du lịch đường sông vào Ngũ Hành Sơn phục vụ du khách và tuyến sông Cổ Cò đi Hội An(Quảng Nam) trong tương lai.
Đà Nẵng cũng thực hiện việc đa dạng hóa, tổ chức thêm các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên sông Hàn và hai bên bờ sông Hàn như chợ đêm, khu phố mua sắm, các dịch vụ môtô nước, cano, các nhà hàng nổi, quán bar nổi kết hợp tham quan du lịch trên sông Hàn; tăng cường quản lý và xử lý nghiêm những đơn vị kinh doanh du lịch có vi phạm, nhất là các doanh nghiệp có tàu thuyền không đảm bảo an toàn; tăng cường tuyên truyền, quảng bá về du lịch đường sông của Đà Nẵng đến người dân và du khách...Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2016, du lịch đường sông sẽ trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố.