Thi gói bánh tại Hội làng Bằng Cả (Hoành Bồ).
“Vốn” du lịch
Huyện có tổng diện tích đất tự nhiên rộng nhất tỉnh với hơn 85.000ha, dân số trên 51 vạn dân với 11 dân tộc anh em cùng chung sống. Nằm cạnh các trung tâm du lịch lớn của tỉnh là điều kiện thuận lợi để Hoành Bồ kết nối các tour du lịch trong và ngoài huyện. Hoành Bồ sở hữu điều kiện tự nhiên phong phú với nhiều hang động, đèo, thác đẹp. Hầu hết các ngọn núi, đèo của Hoành Bồ có độ cao trên 7.000m so với mặt nước biển.
Hoành Bồ có trên 33.000ha diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, hình thành nên Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với nhiều loại động, thực vật hoang dã quý hiếm được bảo tồn. Bên cạnh đó, hệ thống sông suối, thác nước, hồ đập và rừng ngập mặn phong phú, không khí trong lành, tạo nên một bức tranh hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình. Với trên 30km bờ biển, Hoành Bồ còn có hàng nghìn ha rừng ngập mặn ven Vịnh Cửa Lục.
Hoành Bồ là một địa danh gắn liền với các di tích, danh thắng. Trên địa bàn huyện hiện có 38 di tích, phế tích lịch sử, văn hoá, danh thắng đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục bảo vệ, như: Đền thờ vua Lê Thái Tổ, chùa Quýt, chùa Yên Mỹ, di tích thành nhà Mạc, di chỉ khảo cổ hang Hà Lùng, Đồng Vang; khu căn cứ cách mạng Sơn Dương, Bằng Cả, di tích danh thắng Núi Mằn… Trong quần thể Khu Bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y Bằng Cả còn lưu giữ được khá nguyên vẹn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, như: Hội làng người Dao, tục cấp sắc, lễ hội cầu mùa, trang phục, chữ viết người Dao cổ; các làn điệu hát đối, hát giao duyên; các trò chơi dân gian truyền thống; ẩm thực truyền thống, như rượu chua, canh gà nấu gừng, cá khe, ốc khe, thuốc nam…
Sẽ là một điểm đến hấp dẫn
Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: Hoành Bồ sẽ xây dựng và phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá dân tộc, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển du lịch đa dạng các loại sản phẩm và đồng bộ các hoạt động, từ khâu tổ chức sản phẩm đến khâu lữ hành.
Đề án “Phát triển du lịch sinh thái, văn hoá dân tộc huyện giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” đặt ra xây dựng 4 tuyến du lịch chính: Khu Bảo tồn người Dao Thanh Y Bằng Cả kết nối các tour du lịch từ TP Hạ Long đi Uông Bí, Cẩm Phả; du lịch văn hoá tâm linh, đi qua các điểm di tích các xã, thị trấn Trới, Lê Lợi, Thống Nhất; du lịch sinh thái xã Đồng Sơn với điểm dừng là Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; du lịch sinh thái xã Kỳ Thượng với điểm nhấn là Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, đèo Dài, trung tâm xã Kỳ Thượng. Cả 4 tuyến đều mang đến các sản phẩm du lịch: Khám phá và thưởng thức văn hoá dân tộc; du lịch mạo hiểm, leo núi; du lịch trải nghiệm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao v.v..
Đến nay, huyện đã và đang phát triển tuyến du lịch sinh thái, văn hoá, dân tộc xã Bằng Cả. Các giá trị văn hoá phi vật thể truyền thống vốn đang có nguy cơ mai một đã được phục dựng, duy trì và có hình thức phát huy, bắt đầu đã để lại những ấn tượng tốt cho du khách; đã có một số tổ chức, cá nhân đến khảo sát các tuyến du lịch tại Hoành Bồ.
Nhìn nhận, đánh giá đúng lợi thế, tiềm năng, tuy vậy trong triển khai thực hiện, Hoành Bồ đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển du lịch. Trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch gắn bảo tồn phát huy những giá trị văn hoá dân tộc truyền thống; hạ tầng du lịch và dịch vụ. Công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi các hãng lữ hành du lịch đã được triển khai, nhưng hiệu quả chưa cao. Nhận thức về làm du lịch của cán bộ, người dân, nhất là các xã vùng cao, vùng có tiềm năng du lịch còn hạn chế...
Du lịch sẽ là khâu đột phá, hướng đi mới của huyện trong thời gian tới. Du lịch Hoành Bồ sẽ kết nối, mở rộng không gian du lịch trọng điểm Bãi Cháy - Tuần Châu - Hạ Long. Khách du lịch lưu trú Quảng Ninh sẽ dài ngày hơn khi các tuyến du lịch tại Hoành Bồ trở thành hiện thực./.