Nét chung nhất trong trang phục truyền thống các dân tộc Tây Nguyên đó là đàn ông đóng khố, mặc áo chui đầu hoặc áo choàng quấn, phụ nữ mặc áo, váy tấm... Bên cạnh trang phục, nghệ thuật trang sức, làm đẹp theo quan niệm thẩm mỹ của từng dân tộc cũng luôn được quan tâm, nó không chỉ thoả mãn nhu cầu về ăn mặc mà còn là nhu cầu về thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của từng dân tộc.
Trang phục của người Ve, Tà Riềng, Bhơ Noong (nhóm địa phương của dân tộc Giẻ-Triêng) có nét chung là những dải hoa văn rực đỏ trên nền vải đen thô rám. Phụ nữ mặc chiếc váy dài che từ ngực đến tận mắt cá chân, khoác tấm choàng phủ hai vai, ôm lấy cổ và thắt lại phía trước ngực. Người Tà Riềng, khi thổi kèn đinh tuk, cả nam và nữ đều mặc tấm áo choàng quấn rất bí ẩn, bày tỏ sự nghiêm trang trước thần linh. Người Ca Dong, Mơ Nâm, Tơ Đrá, Hà Lăng... (nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng) giữ được nét chung của người Xơ Đăng vùng Bắc Tây Nguyên. Nam mặc khố, áo quấn hình chữ X, nữ mặc váy dài, áo chui đầu.
Nếu trang phục nam của người Ê Đê tương đối giống nhau, nhất là chiếc áo nam với mảng màu đỏ trước ngực biểu tượng chim đại bàng dang cánh thì trang phục nữ có sự khác nhau đôi nét về kiểu cách giữa người Kpă, Mthua, Ktul, Bhí, Blô. Người Gia Rai, Ba Na ở Bắc Tây Nguyên cũng có sự khác nhau về sắc màu, kiểu dáng, hoa văn trong trang phục giữa các nhóm địa phương. Người M’nông ở Nam Tây Nguyên có chiếc váy nữ xanh màu lá rừng, bộ khố áo nam hùng dũng mang dáng dấp của trang phục chiến binh thời cổ. Nét độc đáo của tộc người này là trang sức vòng ống chân, vòng ống tay, đeo khuyên tai làm bằng ngà voi và làm đẹp cho đầu tóc một cách cầu kỳ với nhiều loại trang sức phụ kèm. Người già M’nông có áo rhắp, chiếc khăn rbay nghiêm trang, là trang phục không thể thiếu của các thủ lĩnh ngày xưa. Người Mạ và người K’ho có chiếc áo chui đầu nền trắng của bông vải ban sơ nhưng lại nổi lên những dải hoa văn chỉ màu sặc sỡ.
Trang phục nam và nữ Tây Nguyên không thể không gắn với nhiều món trang sức quý giá như vòng cổ, vòng tay... bằng nhiều chất liệu khác nhau như mã não, đá, đồng, bạc, ngà, xương, nanh thú, tre, nứa... Chúng làm đẹp, làm sang cho người sử dụng, nhất là nữ giới. Trang sức góp phần làm tôn vẻ đẹp trang phục, tạo nên đặc điểm, sắc thái tộc người. Nhìn chung, trang phục các dân tộc mang nét hoang sơ, bảo lưu nhiều yếu cổ xưa, nhất là các loại hình trang phục choàng quấn khố, tấm choàng và đồ trang sức như đeo vòng đồng ở cổ chân, cổ tay, cắm lông chim trên đầu giống như cư dân Đông Sơn trước đây.
Gìn giữ, phục hồi, phát triển nghề dệt và trang phục cổ truyền các dân tộc thiểu số là một công việc luôn cần được quan tâm, khẩn trương và quan trọng không kém gì việc sưu tầm, nghiên cứu, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá khác như sử thi, lễ hội, nghệ thuật dân gian. Trong những năm trước đây, Uỷ ban Dân tộc phối hợp với các cơ quan, địa phương trong cả nước để phát động cuộc thi trình diễn trang phục truyền thống. Mỗi thí sinh thi thể hiện bộ trang phục truyền thống và trang phục ngày thường. Các em học sinh, sinh viên, thanh niên thuộc các dân tộc thiểu số luôn hào hứng, sẵn sàng đầu tư nhiều công sức, năng khiếu trình diễn và sự am hiểu của mình về di sản thời trang dân tộc. Cuộc thi đã tạo cho thế hệ trẻ, thanh niên các dân tộc nhận thức về vai trò của trang phục trong sinh hoạt văn hoá truyền thống, nhất là lễ hội dân gian.
Nhiều địa phương đã nỗ lực trong việc nghiên cứu, sưu tầm và phát huy trang phục truyền thống dân tộc, tổ chức cuộc thi dệt thổ cẩm, sáng tạo, thiết kế các mẫu hoa văn trang phục. Trân trọng và vinh danh các nghệ nhân làng nghề dệt, những người trồng bông, dệt vải, kéo sợi, sáng tạo ra các kiểu dáng trang phục, màu sắc, hoa văn, làm đẹp cho cộng đồng dân tộc mình. Ngoài việc nghiên cứu cải tiến, cần bảo tồn khung dệt cổ truyền Tây Nguyên, phục hồi nghề dệt truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm mang đặc trưng dân tộc như váy tấm, khố, áo choàng, chiếc khăn, thắt lưng, dây buộc tóc, túi thổ cẩm.
Một số địa phương cũng đã tích cực nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học để trình Bộ VHTTDL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho loại hình di sản nghề truyền thống như nghề dệt và trang phục của dân tộc Cơ Tu... Các trường dạy nghề thanh niên dân tộc, trường dân tộc nội trú cũng khuyến khích học sinh sử dụng trang phục truyền thống khi lên lớp hoặc những dịp lễ hội. Đặc biệt, trong các lễ hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc miền núi cấp tỉnh, cấp khu vực đều không thể thiếu việc tôn vinh sắc phục dân tộc bằng những cuộc thi người đẹp các dân tộc trình diễn trang phục truyền thống. Với ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, các cuộc thi trình diễn trang phục luôn tạo sự hưng phấn cho các thí sinh và luôn thu hút đông đảo người xem.
Trang phục, trang sức của các dân tộc là sản phẩm sáng tạo văn hoá đặc sắc của các dân tộc, thể hiện bản sắc tộc người. Giữ gìn trang phục truyền thống là một việc làm quan trọng, cần thiết để bảo tồn, phát triển tính đa dạng văn hoá của các dân tộc. Tổ chức các cuộc thi dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc ở cấp tỉnh và cấp Quốc gia là những cơ hội tốt để tôn vinh văn hoá trang phục của các dân tộc, góp phần giữ gìn sắc hoa tươi đẹp trong vườn hoa đại gia đình các dân tộc Việt Nam./.