Hệ sinh thái mang lại nhiều giá trị cho con người

Cập nhật: 26/11/2015
Thực tiễn phục hồi sinh thái bao gồm các hoạt động như kiểm soát xói mòn, tái trồng rừng, sử dụng cá loài bản địa, loại bỏ các loài ngoại lai và cỏ dại, tái phủ xanh khu vực bị tác động, trồng các loài bản địa cũng như cải thiện môi trường sống và phạm vi đối với các loài chính. Việc làm này sẽ mang lại giá trị như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và quản lý nguồn nước, bảo đảm an ninh lương thực… và bảo vệ cuộc sống của con người.
 

 



Phục hồi hệ sinh thái rừng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sinh kế và sức khỏe con người.
 

Theo Đánh giá Hệ Sinh thái Thiên Niên kỷ thì trong hơn 50 năm qua con người đã làm thay đổi hệ sinh thái (HST) thanh chóng và mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm, nước ngọt, gỗ, sợi và nhiên liệu đã tạo ra sự phồn thịnh về kinh tế và xã hội loài người nhưng đồng thời cũng làm suy thoái các HST và các dịch vụ của chúng trên Trái Đất.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là phải thúc đẩy phục hồi các HST ở quy mô toàn cầu cũng như theo quy mô khu vực và quốc gia một mặt để giải quyết vấn đề môi trường, kìm hãm suy hoái đa dạng sinh học (ĐDSH), giảm nhẹ biến đổi khí hậu và mặt khác thúc đẩy lợi ích kinh tế - xã hội.


Phục hồi hệ sinh thái nhằm bảo tồn đa dạng sinh học

Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) có vai trò đặc biệt quan trọng trong duy trì các dịch vụ HST mà con người phụ thuộc vì sự phát triển  của chính mình. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mất môi trường sống là nguyên nhân trực tiếp làm mất đi các loài.
 
Vì vậy cơ chế để trả lại giá trị đa dạng loài 
là phục hồi HST hoặc môi trường sống. Hơn nữa phục hồi không nhất thiết phải đạt tới giá trị nguyên sơ của ĐDSH và dịch vụ HST như trong các HST nguyên sinh và cũng có rất nhiều ví dụ thuyết phục về các chương trình phục hồi sinh thái trả lại ĐDSH, bao gồm sự phục hồi của các loài và các HST bị đe dọa.

Phục hồi hệ sinh thái nhằm đảm bảo nguồn nước

Rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước thế giới. Hiện nay 75% nguồn nước ngọt có thể sử dụng được trên thế giới đều từ các lưu vực có rừng bao phủ. Rừng cũng rất quan trọng để điều tiết dòng chảy và ngăn chặn lũ quét trong những trận mưa lớn ở vùng núi.

Điều này là rất quan trọng đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, như lưu giữ nước trong các vùng đất ngập nước và khu rừng xung quanh những vùng hay bị hạn hán hoặc lũ lụt. Rừng cũng có một chức năng quan trọng trong việc điều hòa khí hậu thông qua tác động đến thời tiết và lượng mưa, cũng như trong việc lưu trữ nước mưa và lọc nước.


Phục hồi hệ sinh thái nhằm bảo đảm sức khỏe và quản lý nước thải

Hơn một nửa nước ô nhiễm hữu cơ và lượng nước thải ban đầu diễn ra bên ngoài các thành phố, phần lớn là kết quả của việc mất các vùng đất ngập nước, tăng xói mòn và nước chảy bề mặt khi mất các thảm thực vật tự nhiên dọc theo  cánh đồng, các dòng suối, làng mạc và vùng đất dốc do hoạt động như phá rừng, chăn thả quá mức và thâm canh hoặc sản xuất nông nghiệp không bền vững.

Phục hồi các vùng đất ngập nước sẽ giúp lọc một số loại nước thải và đây có thể là một giải pháp rất hữu hiệu đối với những thách thức quản lý nước thải. Vùng đất ngập nước có rừng bao phủ xử lý nước thải có tỷ lệ lợi ích – chi phí cao hơn 6 – 22 lần so với lọc cát truyền thống.


Phục hồi hệ sinh thái để đảm bảo an ninh lương thực 

Theo dự báo, sự giảm sút liên tục các dịch vụ HST ở mức độ như hiện nay do suy thoái đất đai, giảm lượng nước tưới cho nông nghiệp, cạn kiệt chất dinh dưỡng, thụ phấn giám sút và kiểm soát dịch hại tự nhiên thấp có thể gây đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực thế giới và làm suy giảm sản xuất lên đến 25% vào năm 2050. Chỉ riêng việc giảm khả năng thụ phấn cho cây trồng, ước tính làm giảm khoảng 9,5% giá trị sản lượng nông nghiệp toàn cầu được sử dụng cho tiêu dùng trong năm 2005. 

Phục hồi các HST và đảo ngược  tình trạng suy thoái đất có tầm quan trọng rất lớn, đặc biệt đối với những khu vực nghèo đói phục thuộc vào môi trường tự nhiên để có năng suất, an ninh lương thực 
và y tế.

Phục hồi hệ sinh thái nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Tất cả các vật chất sống - từ cỏ, cây gỗ, sinh vật thủy sinh và cả vật chất không sống – đều lưu trữ carbon. Những bể chứa sinh khối carbon đó thường được gọi là “carbon màu xanh lá cây”. 

Theo dự tính, thảm thực vật trên cạn trên thế giới lưu trữ 2.261 tỷ tấn carbon. Khoảng một nửa  trữ lượng carbon trên đất liền thuộc về rừng. Các đại dương và thảm thực vật ven biển cũng lưu trữ một lượng lớn carbon (thường được gọi là carbon màu xanh da trời) ước tính vào khoảng 38.334 tỷ tấn carbon.


Phục hồi hệ sinh thái để phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai

Các HST đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế, giảm nhẹ và phòng tránh hiểm họa do biến đổi khí hậu và thiên tai chính trên toàn thế giới.

Do vậy nếu các HST bị phá hủy hoặc bị suy thoái thì nguy cơ hiểm họa sẽ tăng lên: mỗi năm 270 triệu người trên thế giới, 85% trong số họ sống ở Châu Á, phải đối mặt với thiên tai và khoảng 124.000 chết do nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp.


Lợi ích kinh tế của phục hồi hệ sinh thái chính là thông qua kinh tế xanh

Kết quả đánh giá của 89 dự án phục hồi HST lớn trên thế giới đã rút ra kết luận rằng phục hồi sinh thái làm tăng giá trị ĐDSH và dịch vụ HST tương ứng là 44% và 25%. Sự gia tăng các dịch vụ HST và ĐDSH có mối liên hệ chặt chẽ. 

Trong một cuộc khảo sát của các nhà quản lý ở Mỹ trong tổng số 317 dự án phục hồi các dòng sông có gần hai phần ba tin tưởng rằng các dự án đã hoàn toàn thành công. Đồng thời một loạt các điều tra cho thấy mức độ sẵn sàng chi trả và hỗ trợ rất cao cho công tác phục hồi tăng lên đến 78% số người được phỏng vấn, qua đó cho thấy nhận thức cao và rủi ro thấp cho các khoản đầu tư theo thông tin phản hồi của công chúng.
 

(Trích kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao sức chống chịu trước biến đổi khí hậu” của Võ Thanh Sơn - Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường, Đại học Quốc gia Gà Nội và Phùng Tửu Bôi – Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam)

 

Mai Anh 

 

Nguồn: moitruong.com.vn