Hướng tới mục tiêu bảo tồn loài tê tê bền vững

Cập nhật: 02/12/2015
Theo các chuyên gia, tê tê có 8 loài trong họ Manidae, trong đó có 4 loài sinh sống chủ yếu ở 17 nước châu Á và 4 loài sinh sống ở 31 nước châu Phi.
Tê tê là những loài thú nhỏ ăn côn trùng, sống về đêm, có trọng lượng từ 2-35kg, dài từ 35-176 cm, toàn thân được bao phủ bởi các vảy keratin. Tê tê thích nghi với các sinh cảnh khá đa dạng, một số sống trên cây hoặc bán thời gian trên cây, trong khi các loài khác cư ngụ dưới đất. Tê tê sử dụng chi trước với vuốt cứng để đào hang trong khi chi sau và đuôi dùng để hỗ trợ và tạo thế cân bằng. Tê tê ăn côn trùng bằng cách dùng chi trước phá các tổ kiến, mối sau đó sử dụng lưỡi dài, dính để bắt mồi.

 

 

 

Tất cả 8 loài tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó 4 loài tê tê châu Á có 2 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN ở mức cực kỳ nguy cấp
 


Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tất cả 8 loài tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó 4 loài tê tê châu Á có 2 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN ở mức cực kỳ nguy cấp (EN). Bốn loài tê tê châu Á đều giảm 50-90% trong 3 thế hệ gần đây (khoảng 21 năm). Còn lại 4 loài tê tê châu Phi đều nằm trong Danh lục đỏ IUCN ở mức độ hiếm (V) và đang tiếp tục suy giảm với mức dự đoán từ 30-40% trong 3 thế hệ liên tiếp.


Báo cáo của IUCN cho thấy tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép tê tê đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới. Nguyên nhân chính đe dọa sự sống còn của tất cả 8 loài tê tê là do thịt tê tê được coi là một thực phẩm cao cấp, vảy được dùng như một thành phần trong các loại thuốc truyền thống châu Á. Ước tính một thập kỷ qua trên thế giới có hơn 1 triệu con tê tê hoang dã đã bị săn bắt, buôn bán trái phép để đáp ứng nhu cầu sử dụng.


Tại Việt Nam có 2 loài tê tê phân bố là tê tê java Manis javanica và tê tê trung vàng Manis pentadactyla. Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, tê tê java có thân cỡ trung bình, dài 0,4 - 0,65m, trọng lượng 6 - 8kg. Môi trường sống của chúng là trong rừng già, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa gỗ, ở hang dươi các gốc cây to, cây mục nát, hoặc vách đất đá trong lùm cây rậm rạp. Tê tê java phân bố chủ yếu ở các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kontum, Gia Lai, Tây Ninh. Loài tê tê vàng cỡ nhỏ hơn tê tê java có thân dài 0,2 - 0,5m, trọng lượng 5-7kg, sống trong rừng ẩm nhiệt đới, rừng già, rừng thứ sinh , rừng hỗn giao tre nứa gỗ, ưa thích là rừng trên đồi núi thấp có nhiều cỏ cây mục nát.


Tê tê vàng phân bố chủ yếu ở các vùng Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phú, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Tây, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Loài này có vùng phân bố rộng, nhưng là mặt hàng rất có giá trị, nên bị săn bắt nhiều, bên cạnh đó do mất sinh cảnh sống nên số lượng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng buôn bán trái phép tê tê ở Việt Nam gia tăng góp phần đẩy tê tê đến bờ vực tuyệt chủng.


Với vị trí địa chính trị quan trọng Việt Nam trở thành một trong các tuyến đường buôn bán và trung chuyển tê tê trên thế giới. Tê tê được buôn bán từ trong nước, các nước Đông Nam Á, châu Phi qua thị trường chính là Trung Quốc. Trong những năm trước đây chỉ ghi nhận các vụ buôn bán các loài tê tê châu Á, song kể từ năm 2014 đã ghi nhận các vụ buôn bán tê tê có nguồn gốc châu Phi.


Một số vụ buôn bán tê tê lớn bị bắt giữ bởi lực lượng chức năng như vụ bắt giữ 24 tấn tê tê đông lạnh tại cảng Hải Phòng có nguồn gốc từ Indonesia. Vụ bắt giữ 447 kg tê tê sống tại Hà Tĩnh ngày 11/12/2011và 300 kg tê tê sống tại Nghệ An ngày 22/4/2012. Gần đây nhất là vụ bắt giữ trên 1.700 kg tê tê có nguồn gốc châu Phi đi Trung Quốc... Các lực lượng tham gia điều tra, bắt giữ các vụ buôn bán trái phép tê tê gồm Hải quan, Công an và Kiểm lâm.


Hoạt động buôn bán trái phép tê tê diễn ra phức tạp và tinh vi. Đối với nhưng lô hàng tê tê động lạnh và vảy có số lượng lớn thường được buôn qua đường biển với các điểm trung chuyển tại Quảng Ninh, Hải Phòng trước khi được tái xuất sang Trung Quốc. Các đối tượng buôn bán sử dụng các thủ đoạn dấu hàng và khai báo sai về loại hàng hóa như thủy sản, rong biển, vỏ sò... Trên bộ, hoạt động buôn bán tê tê (chủ yếu là con sống) thường được nhập khẩu trái phép vào Việt Nam qua các cửa khẩu miền trung từ Lào vào Việt Nam. Các đối tượng chủ yếu dùng ô tô vận chuyển với các thủ đoạn ngụy trang tinh vi như dùng biển số giả, trộn lẫn với các loại hàng hóa khác, dấu trong các container...


Hiện nay các loài tê tê được liệt kê trong Phụ lục II của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Trong đó, hoạt động buôn bán thương mại quốc tế các loài tê tê châu Á đã bị cấm tuyệt đối theo quy định của CITES và nhiều quốc gia đã ban hành luật nghiêm cấm việc bắt giữ, buôn bán trong nước loài động vật này. Hai loài tê tê phân bố tại Việt Nam đều có tên trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013. Mặc dù các loài tê tê phân bố tại Việt Nam được pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất, nhưng các chế tài xử phạt hành vi săn bắt, buôn bán trái phép còn thấp, chồng chéo, khó áp dụng. Chưa có quy định xử lý hình sự đối với các loài tê tê không phân bố ở Việt Nam.


Theo Công ước CITES thì các loài tê tê thuộc Phụ lục II vì vậy các hành vi buôn bán xuyên biên giới mức xử phạt còn thấp. Để có giải pháp bảo vệ loài tê tê, mới đây tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về bảo tồn tê tê được tổ chức tại Đà Nẵng - Việt Nam, các quốc gia có tê tê phân bố đã đồng ý xây dựng đề xuất đưa loài tê tê lên Phụ lục I - CITES (nghiên cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại). Hội nghị cũng đưa ra kế hoạch hành động đề cập đến các vấn đề về bảo tồn bền vững, quản lý và thực thi pháp luật nhằm bảo vệ tê tê trước nạn khai thác quá mức do nạn buôn bán bất hợp pháp.

Hội nghị đã đưa một số giải pháp bảo vệ cấp bách loài tê tê như thúc đẩy hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin trong đấu tranh với tội phạm buôn bán tê tê và động vật hoang dã. Các nước nên xây dựng và ký kết các biên bản hợp tác song phương nhằm tăng cường sự phối hợp trong kiểm soát buôn bán quốc tế tê tê. Tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật và tăng cường kỹ năng nhận dạng mẫu vật tê tê; điều tra, phát hiện các thủ đoạn buôn bán động vật hoang dã liên biên giới. Xây dựng các chiến dịch Chiến dịch gia tăng nhận thức và giảm nhu cầu tiêu thụ tê tê tại các quốc gia. Đầu tư cho công tác cứu hộ tê tê, trong đó chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất cứu hộ, đào tạo nhân lực và ban hành quy định về chuyển giao tê tê tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép về các trung tâm cứu hộ. Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học về sinh học, sinh thái của, quần thể, xu hướng biến động của loài tê tê, đặc biệt tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên còn sự phân bố tê tê.

 

Nguồn: tinmoitruong.vn