Công nghệ rau sạch ở thành phố hoa

Cập nhật: 16/12/2015
Lâu nay, khách trong và ngoài nước biết nhiều về Đà Lạt - một thành phố cao nguyên có khí hậu quanh năm mát lạnh với các mỹ danh: Thành phố mù sương, thành phố ngàn thông, thành phố ngàn hoa…Nhưng, có lẽ chưa có nhiều người biết Đà Lạt còn là xứ sở của rau và là địa phương có trữ lượng rau sạch sản xuất nhiều nhất nước…

 

Đà Lạt được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vùng đất có khí hậu quanh năm mát lành; cảnh núi đồi, hồ, thác, sương mờ nên thơ xinh đẹp, có hoa thơm nở thắm bốn mùa, Đà Lạt còn là địa danh có đất đai thổ nhưỡng màu mỡ rất phù hợp cho các loại rau xanh (trong đó có những loại rau đặc hữu) phát triển trở thành đặt sản của thành phố Cao nguyên này. Cùng với thiên nhiên, khí hậu, hoa tươi… Rau xanh Đà Lạt đã góp phần tạo nên bức tranh thành phố thêm sinh động, hài hòa về sự giàu có và xinh đẹp đã và đang thu hút du khách thập phương tìm đến với Đà Lạt.

 

Rau sạch, còn gọi là rau an toàn đang là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng.

 

Để có được sản phẩm sạch, đòi hỏi rau xanh phải được sản xuất theo một quy trình  công nghệ khép kín và tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. Theo tài liệu nghiên cứu, quy định sản xuất rau sạch phải được thực hiện qua các khâu và theo các tiêu chuẩn sau: Chọn đất; đất phải ở những vị trí cao ráo, không bị ô nhiểm, dễ thoát nước thích hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của rau; nước tưới: thường sử dụng nguồn nước từ giếng khoan qua xử lý độ chua, phèn (tránh lấy nước ao hồ dễ bị nhiễm khuẩn) để tưới sẽ rất dễ lây bệnh cho rau; chọn giống: hạt giống phải tốt và những cây con phải chọn những cây khỏe mạnh không có mầm bệnh; phân bón: tuyệt đối không dùng phân tươi hay nước phân chuồng pha loãng tưới cho rau; thuốc bảo vệ thực vật: không dùng thuốc hóa học bảo vệ thực vật, thuốc hóa học thuộc nhóm độc I và II để bón cho rau…

 

Theo quy hoạch “vùng sản xuất rau và chè tập trung của tỉnh Lâm Đồng”đến 2020 (đã được phê duyệt); trong đó, riêng diện tích đất dành cho sản xuất rau an toàn rộng hơn 13 ngàn ha và chủ yếu phân bổ tập trung ở các địa phương: Đức Trọng (6.000ha), Đơn Dương (4.500ha), Đà Lạt (2.000ha) và Lạc Dương (674ha). Đây là những địa phương có vùng trồng rau lớn nhất của Lâm Đồng. Với quy hoạch này, vùng trồng rau sạch hiện nay của Lâm Đồng có diện tích rất lớn, nếu thực hiện đúng quy hoạch và tuân thủ chặt chẽ quy trình công nghệ, trong tương lai gần “thương hiệu rau sạch Đà Lạt” sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu ra các nước.

 

Du khách trước nay đến với Đà Lạt đều rất ưa thích các sản phẩm rau, củ, quả của Đà Lạt. Quan sát trong thực đơn các bữa ăn của đông đảo du khách đều hiện diện rau xanh và các sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả rất có lợi cho sức khỏe như: Bắp cải, nhất là cải thảo, chứa những chất chống bệnh dạ dày và ung thư vú; Cà chua, chứa chất lycopene duy trì sự năng động cả về tinh thần lẫn thể chất; Rau dền: chứa chất lutein chống lão hóa, đồng thời có cả acid folic giúp hoạt động của não và mạch máu; Cải xanh: giảm nguy cơ ung thư bởi có chứa nhiều chất chống lại các hóa chất hữu cơ gốc tự do; Cà rốt: chứa nhiều beta carotene là chất miễn dịch rất tốt…

 

Điều đáng mừng là trước nay ở Đà Lạt chưa xảy ra vụ ngộ độc thức ăn nào liên quan đến rau xanh và các loại củ, quả. Đây là thông điệp rất quan trọng khẳng định chất lượng rau an toàn Đà Lạt thực sự là niềm tin, sự chọn lựa của người tiêu dùng bản địa và củng cố niềm tin cho du khách mỗi khi đặt chân đến thành phố thơ mộng, xinh đẹp này tham quan, nghỉ hưỡng… Hiện nay, ở  một số thành phố lớn, nhất là TP. HCM đã có nhiều công ty, cửa hàng, đại lý…chuyên giới thiệu, cung ứng rau sạch (rau an toàn) mang nhãn hiệu Đà Lạt đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

Mời bạn hãy đến với Đà Lạt trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2015 để đón không khí se lạnh cuối đông và thưởng thức đặc sản rau sạch Đà Lạt…

Nguồn: Báo Du lịch