Để phát triển du lịch, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch như tham quan, nghỉ dưỡng tại Sa Pa, Bắc Hà, Vườn Quốc gia Hoàng Liên; du lịch sinh thái gắn với chinh phục đỉnh Fansipan; du lịch văn hóa, cộng đồng tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát; du lịch mua sắm tại thành phố Lào Cai; du lịch tâm linh, du lịch xuyên biên giới…
Để tạo điểm nhấn cho năm du lịch quốc gia 2017 sẽ được tổ chức tại Lào Cai, địa phương đang chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách.
Hướng tới sản phẩm đặc trưng
Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, thời gian tới, ngành du lịch Lào Cai sẽ tạo ra các chuỗi sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, bền vững và cạnh tranh để giữ chân du khách đến từ các khu vực châu Âu, châu Mỹ, các nước Đông Nam Á và gần nhất là Vân Nam (Trung Quốc), Luangprabang (Lào).
Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã phát triển được 12 điểm du lịch cộng đồng, theo đó, doanh thu hộ thấp nhất tham gia du lịch cộng đồng cũng đạt từ 10-20 triệu đồng/năm, nhiều hộ đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Các thôn bản du lịch cộng đồng nhanh chóng góp phần xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ giảm nghèo ở các thôn làm du lịch nhanh hơn các thôn bình thường khác trong vùng từ 3-4 lần. Nhiều điểm du lịch cộng đồng mới được xây dựng đã có hiệu quả cao như ở Tả Van Chư (Bắc Hà), Cát Cát (Sa Pa), Cao Sơn (Mường Khương)...
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai), quá trình triển khai xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc thu hút sự tham gia của cộng đồng, phân chia quyền lợi giữa nhà đầu tư và người dân, cũng như sự hài hòa giữa phát triển du lịch với nâng cao đời sống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các vùng để tạo các sản phẩm du lịch còn yếu, chưa phát huy được thế mạnh và tiềm năng của mỗi địa phương. Mặc dù sản phẩm du lịch Lào Cai đã được hình thành, nhưng chưa toàn diện và độc đáo vì chuỗi cung ứng dịch vụ chưa đồng bộ, không thể hiện rõ nét thế mạnh của tài nguyên đặc trưng.
Anh Giàng A Công, một nghệ nhân chạm khắc đồ lưu niệm bằng đá tại bản du lịch sinh thái Cát Cát, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết: "Tôi làm nghề gần chục năm với nguyên liệu là đá địa phương, bởi đá Sa Pa, đặc biệt đá vùng Ô Quý Hồ có đặc điểm trắng sáng, mềm và dễ đẽo gọt hơn các loại đá nơi khác. Trước đây những món đồ này rất hút khách du lịch, nhưng một hai năm trở lại đây bán rất chậm, chủ yếu cho khách nước ngoài và khách phía Nam".
Ngoài Cát Cát, các đồ lưu niệm tại làng du lịch cộng đồng Tả Van (Sa Pa) cũng chung một tình trạng khá đìu hiu. Theo ông Lù Văn Khuyên, Trưởng Phòng Văn hóa du lịch huyện Sa Pa, thời gian tới Sa Pa sẽ có những giải pháp và đề xuất xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch mới trong đó có đồ lưu niệm.
Một nguyên nhân nữa phải kể đến khi nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo của các doanh nghiệp đưa vào khai thác gặp trở ngại. Điển hình là sản phẩm du lịch carnaval (khách tự lái xe đi theo đoàn) của Công ty Lữ hành Du lịch Quốc tế Bình Minh (thành phố Lào Cai) đã thu hút khá nhiều khách du lịch, được giới kinh doanh lữ hành du lịch đánh giá cao. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch này gặp khó khăn, bởi cơ chế, chính sách của các quốc gia hiện chưa cởi mở trong việc đưa phương tiện cá nhân đi sâu vào nội địa.
Liên kết vùng trong xây dựng sản phẩm
Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, để tạo sức cạnh tranh, các sản phẩm du lịch cần được xây dựng trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên và mang đậm đặc trưng của điểm đến; đồng thời phải phù hợp với nhu cầu mà thị trường khách hướng tới. Vì vậy, Lào Cai sẽ tăng cường kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh bạn để phát huy thế mạnh du lịch xây dựng được chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, bền vững và tính cạnh tranh cao nhất.
Hiện nay, địa phương đang hướng tới hai nhóm sản phẩm du lịch là nhóm sản phẩm du lịch "Sắc màu miền núi” với không gian là các huyện phía Đông của tỉnh Lào Cai kết nối sang tỉnh Hà Giang. Điểm nhấn của dòng sản phẩm này là các phiên chợ vùng cao, các bản làng dân tộc, các lễ hội dân gian, các làng nghề thủ công truyền thống và một số danh lam thắng cảnh của các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương (Lào Cai) kết nối sang tỉnh Hà Giang. Thị trường hướng tới của dòng sản phẩm này là đối tượng du khách văn hóa, du lịch nghiên cứu và du lịch trải nghiệm-khám phá.
Lào Cai có địa hình đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nhóm sản phẩm “khám phá du lịch đỉnh cao” là dòng sản phẩm mà Lào Cai tập trung khai thác mạnh với không gian các huyện phía Tây của tỉnh Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát) kết nối sang tỉnh Lai Châu với các điểm nhấn là đèo Ô Quý Hồ, đỉnh Fansipan, dãy Ngũ Chỉ Sơn, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, núi Ba mẹ con, đỉnh Phú Lan Gia gắn với văn hóa đặc trưng của các dân tộc sinh sống như Giáy, Hà Nhì, Mông, Dao. Đối tượng hướng tới của dòng sản phẩm này là khách du lịch mạo hiểm, du lịch leo núi và du lịch văn hóa.
Hai dòng sản phẩm này sẽ được tỉnh ưu tiên phát triển phục vụ Năm du lịch quốc gia 2017 tại Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc. Để làm được điều đó, năm 2016 ngành du lịch của tỉnh sẽ xúc tiến các bước khảo sát và xây dựng sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan truyền thông; thực hiện quy hoạch lại các vùng du lịch trên cơ sở các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đối với các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai, và quy hoạch một số điểm du lịch trọng điểm như Nghĩa Đô (Bảo Yên), Y Tý (Bát Xát).
Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch trong tỉnh, việc mở rộng liên kết với các tỉnh lân cận cũng được thúc đẩy hiệu quả. Nhờ liên kết này, ba tỉnh Phú Thọ-Yên Bái-Lào Cai đã hình thành các tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng, tuyến du lịch tham quan ba danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải-Sa Pa-Nguyên Dương (Trung Quốc).
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã tăng cường chủ động cùng với tám tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai-Yên Bái-Phú Thọ, Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên -Lai Châu-Hà Giang) xây dựng chương trình “Vòng cung Tây Bắc” để kéo dài tour, tuyến du lịch, kéo dài ngày lưu trú của khách và khiến khách du lịch chi nhiều tiền hơn.
Trong dự thảo Quy hoạch phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã hướng tới phát triển với năm dòng sản phẩm du lịch là tham quan-nghỉ dưỡng núi; tìm hiểu văn hóa các dân tộc; sinh thái; biên giới; tâm linh. Ngoài ra, còn có các dòng sản phẩm du lịch hỗ trợ như tham quan di tích lịch sử; lễ hội; MICE (hội thảo, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm); nông nghiệp… Trong tương lai, đây sẽ là hình thức phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm mà tỉnh Lào Cai hướng tới./.