Cảng vụ đường thủy nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường.
Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu - Ảnh minh họa
Đây là một trong những nội dung tại Thông tư số 83/2015/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Theo đó, phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bao gồm các cảng, bến thủy nội địa sau (trừ bến khách ngang sông): a- Cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia; b- Cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng trên địa giới nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; c- Cảng, bến thủy nội địa có vùng đất, vùng nước vừa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia vừa trên tuyến đường thủy nội địa địa phương hoặc cảng, bến thủy nội địa có vùng đất, vùng nước vừa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia vừa trên vùng nước cảng biển; d- Cảng, bến thủy nội địa khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao.
Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải bao gồm các cảng, bến thủy nội địa sau: Cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa địa phương; Cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương; Cảng, bến thủy nội địa khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao.
Nhiệm vụ và quyền hạn
Thông tư nêu rõ, Cảng vụ đường thủy nội địa có nhiệm vụ và quyền hạn sau: quy định nơi neo đậu cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển; kiểm tra giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện ra, vào cảng, bến thủy nội địa.
Đồng thời, không cho phương tiện ra, vào cảng, bến thủy nội địa khi cảng, bến hoặc phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc cảng, bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; tiếp nhận và thông báo tình hình luồng, tuyến cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển tại cảng, bến thủy nội địa; giám sát việc khai thác, sử dụng cảng, bến bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, tổ chức tìm kiếm, cứu người, hàng hóa, phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển bị nạn trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; chủ trì kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến và các phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển hoạt động trong vùng nước Cảng vụ đường thủy nội địa quản lý; xử phạt vi phạm hành chính; thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2016.
Minh Minh