Dự án xây dựng cổng chào Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng: Nói thẳng: Không xây

Cập nhật: 19/01/2018
Nguồn: Báo Văn hóa
Dự án xây dựng cổng chào ở Phong Nha bằng chất liệu bê tông cốt thép do Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đề xuất đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối cả về vị trí đặt cổng, vật liệu xây dựng, kinh phí lắp dựng và sẽ gây ảnh hưởng đến mỹ quan của Di sản thiên nhiên thế giới này.

Phối cảnh cổng chào ở Phong Nha

 

Được biết, tháng 5.2017, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng một công trình cổng chào với mức vốn khoảng 9,5 tỉ đồng. Vị trí xây dựng cổng tại Km 11, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, khu vực sông Chày - hang Tối thuộc địa bàn xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch). Theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng do Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng lập, sau khi một số tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động (như động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, thung lũng Sinh Tồn - hang Thủy Cung…) thì Trạm kiểm lâm Trộ Moợng trở thành cửa ngõ chính ra vào VQG từ phía bắc. Do đó, việc xây dựng cổng chào nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc, ấn tượng với du khách trước khi vào tham quan Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng thời thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm kiểm soát người và phương tiện ra vào Vườn quốc gia. Cổng chào có hình dáng cách điệu 2 cánh tay ôm trọn biểu tượng di sản và được thiết kế bằng bê tông cốt thép.

Mặc dù vậy, dự án xây dựng cổng chào ở Phong Nha đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí chưa đồng tình với lí do chất liệu không phù hợp với di sản thiên nhiên thế giới, vị trí đặt cổng có thể phá vỡ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng...

Ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, dè dặt chia sẻ: “Thực sự cần cân nhắc kỹ, không nên vội vàng, tránh gây phá vỡ cảnh quan, gây tổn hại đến những giá trị khác vì Phong Nha - Kẻ Bàng chứa đựng nhiều nét đẹp độc đáo. Ở nhiều khu du lịch nổi danh trên thế giới, việc làm cổng hay bảng hiệu chỉ dẫn rất đơn giản, nhiều nơi chỉ là hòn đá hay những cổng gỗ nhẹ nhàng”.

Bến thuyền Phong Nha

 

Trong khi đó trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình nói. “Trên phương diện Hiệp hội, quan điểm của tôi là không đồng ý chia ranh giới VQG bằng cái cổng, mà phải là những bảng chỉ dẫn phù hợp với cảnh quan. Ở VQG trên triền núi Voi đã treo chữ và biểu tượng di sản trên đó rồi”. Theo TS Nguyễn Khắc Thái, người chuyên nghiên cứu lịch sử, văn hóa thì việc xây dựng cổng chào là ngôn ngữ đô thị, không hợp với di sản thiên nhiên. Dù trên đó có đưa logo Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng lạc lõng với xung quanh, chỉ phù hợp với đường vô khu công nghiệp, bến cảng, thành phố hiện đại... Ở Trộ Moợng chỉ nên làm cổng cách điệu cảnh quan tự nhiên như trụ đá, gốc cổ thụ...

Ai cũng dễ dàng nhận thấy hiện lối dẫn vào khu di sản thiên nhiên thế giới Vườn có rất nhiều con đường và đứng ở điểm nào cũng dễ dàng nhận thấy di sản. Vậy chẳng lẽ con đường nào đưa du khách đến với di sản thì cũng dựng cổng chào? Nếu theo lập luận của cơ quan chức năng là chỉ làm ở vị trí Trạm kiểm lâm Trộ Moợng vì nơi đây là cửa ngõ chính ra vào VQG thì chỉ nên làm đơn giản, gọn nhẹ, thanh thoát, nhỏ nhắn và bằng chất liệu giàu hàm lượng môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan, không gian di sản là đủ.

GS.TSKH LƯU TRẦN TIÊU, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA: Không nhất thiết xây dựng

Trao đổi Văn Hóa vào chiều 18.1, GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, “Hiện ở nước ta đang có “mốt” xây dựng cổng chào. Dường như bây giờ đi đến tỉnh, thành hay huyện, xã nào cũng bắt gặp cổng chào với quy mô rất bề thế và chắc là kinh phí không hề nhỏ”. Đề cập đến việc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đang đề xuất xây dựng công trình cổng chào ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, GS Lưu Trần Tiêu nói ngay là không cần thiết vì chẳng giải quyết được vấn đề gì.

“Chắc là họ muốn xây dựng công trình này để tạo điểm nhấn và giới thiệu, quảng bá di sản đối với du khách trong và ngoài nước. Nếu như thế thì không nhất thiết bởi vì quảng bá, giới thiệu thiếu gì cách mà lại chọn xây dựng công trình với kinh phí gần chục tỉ như vậy. Tôi tin rằng nó sẽ là công trình có kiến trúc rất hiện đại và xa lạ với thiên nhiên, bởi vậy đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và cơ quan chức năng hết sức cân nhắc và xem xét một cách thận trọng dự án đang gây tranh cãi này”, GS Tiêu đề nghị. LÂM SƠN

Phạm Phú - Tân Bình