Kinh tế du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu gắn với biển và rừng. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những vấn đề quan trọng để phát triển bền vững ngành kinh tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các doanh nghiệp du lịch đã thực hiện khá tốt vấn đề này từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có hiệu lực.
Một cán bộ Phòng Quản lý du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, phần lớn rác thải từ các cơ sở lưu trú, resort, khu du lịch trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý qua hệ thống Công ty môi trường đô thị tại các địa phương. Theo thống kê từ báo cáo của 72 doanh nghiệp cho thấy, mỗi ngày các doanh nghiệp này thải khoảng 5,34 tấn rác thải, trong đó có khoảng 5,04 tấn được thu gom qua hệ thống thu gom rác tập trung của các công ty công trình đô thị, số còn lại được xử lý bằng biện pháp chôn lấp (chủ yếu ở huyện Xuyên Mộc như: Khu du lịch Sài Gòn - Bình Châu, Thủy Hoàng, Biển Xanh, Hàng Dương - Hồ Cốc; ở Côn Đảo, TP. Vũng Tàu cũng có vài đơn vị). Ngoài ra, hàng ngày có khoảng 19% trong số 1.621m³ nước thải từ các khu du lịch, resort, khách sạn được xử lý trước khi thải ra hệ thống thoát nước đô thị hoặc tái sử dụng vào mục đích khác. Số còn lại được lắng qua bể rồi cho thấm vào môi trường; một số thoát trực tiếp theo hệ thống thoát nước đô thị và vài nơi như khách sạn Lộc An (huyện Đất Đỏ) thoát ra sông, Khu du lịch Hàng Dương - Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc) thoát ra hồ.
Điều đáng chú ý từ cuộc khảo sát này là tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch vẫn còn nhầm lẫn giữa báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với việc đăng ký bản cam kết BVMT. Theo quy định của Nghị định 80 của Chính phủ về việc lập báo cáo ĐTM thì trong số 72 doanh nghiệp được khảo sát có 29 cơ sở lưu trú, resort phải lập báo cáo ĐTM nhưng chỉ có 10/29 đơn vị này thực hiện. Ngoài ra, có 37 doanh nghiệp có đăng ký bản cam kết BVMT (theo Nghị định 80 thì có 40/72 doanh nghiệp buộc phải thực hiện bản cam kết BVMT, trong đó có 11 doanh nghiệp lập báo cáo ĐTM thay cho đăng ký bản cam kết BVMT; 15 doanh nghiệp đăng ký bản cam kết BVMT thay vì phải lập báo cáo ĐTM; 4 doanh nghiệp vừa lập báo cáo đánh giá ĐTM vừa đăng ký bản cam kết BVMT. Điều đó cho thấy, công tác lập báo cáo ĐTM và đăng ký bản cam kết BVMT tại các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đầy đủ hoặc có sự nhầm lẫn giữa hai loại văn bản này. Nguyên nhân, ngoài tình trạng doanh nghiệp thiếu hiểu biết về những quy định của pháp luật bảo vệ môi trường phải kể đến vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tuyên truyền các văn bản mới về môi trường chưa cao, đồng thời cũng có những doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác này.
Một cán bộ thanh tra Sở VHTTDL cho biết, từ khi có Quy chế Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch của UBND tỉnh (năm 2004) và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (có hiệu lực từ 1/7/2006), các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt quy định lập báo cáo ĐTM hoặc cam kết BVMT. Các dự án du lịch thực hiện sau thời điểm có hiệu lực của hai quy định trên đều quan tâm đến việc BVMT, nhất là các khu du lịch, resort. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng vào mục đích tưới cây như: Anoasis resort (tái sử dụng 50%), Làng Bình An (tái sử dụng 100%), Long Hải Beach Resort (tái sử dụng 60%), Khu du lịch Hồng Phúc (tái sử dụng 70%), Khu du lịch Sài Gòn - Bình Châu… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chú ý trồng cây xanh với tỷ lệ từ 10% - 70% nhằm tạo sự thân thiện với môi trường. Thậm chí có doanh nghiệp còn làm sạch bãi biển bằng việc… sàng cát như Khu du lịch Biển Đông, Anoasis.
Nghị quyết số 05 ngày 27/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2015 cũng đã xác định giải pháp tăng cường các hoạt động cải thiện và BVMT du lịch như: nhân rộng công nghệ mới chống xói lở bờ biển; giải quyết vấn đề xử lý, thu gom rác thải đô thị; giải quyết tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng và khu vực trọng điểm du lịch, có biện pháp ngăn ngừa và chế tài hành vi gây ô nhiễm hoặc hủy hoại môi trường du lịch; khẩn trương di dời các cơ sở chế biến thủy sản ra khỏi vùng du lịch; tăng cường giáo dục ý thức xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện cho nhân dân, cán bộ, các doanh nghiệp và du khách...
Một cán bộ Sở VHTTDL nhận xét, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được việc BVMT du lịch là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững, bởi lẽ, môi trường du lịch tốt là một trong những yếu tố thu hút du khách đến với địa phương nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn trong việc BVMT du lịch hiện nay chủ yếu rơi vào các cơ sở lưu trú được xây dựng từ trước khi các quy định về BVMT có hiệu lực, nhất là các doanh nghiệp ở khu vực đường Thùy Vân, TP. Vũng Tàu và các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ khi thiếu hệ thống xử lý nước thải.