Ngoài bảo tồn, gìn giữ các di tích thì việc trồng cây xanh trong khuôn viên cũng được các ban quản lý di tích (BQLDT) trong tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm. Hằng năm, mỗi khu di tích đều phấn đấu trồng thêm từ 20 – 100 cây xanh.
Trồng nhiều cây xanh tại các khu di tích ở tỉnh Hải Dương
Việc trồng cây xanh đều được các BQLDT lên kế hoạch cụ thể và chọn các loại cây phù hợp với khí hậu, đất đai và ý nghĩa riêng của từng di tích. Bên cạnh đó, các BQLDT cũng tích cực tuyên truyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân ở địa phương tham gia trồng cây xanh tại các di tích.
Theo đó, tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, BQLDT đã lên kế hoạch trồng thay thế một số cây vải đã già cỗi bằng cây thông. Phó Trưởng BQLDT – Lê Duy Mạnh cho biết: “Hai năm trở lại đây, BQLDT đã trồng trên 150 cây thông. Trong năm 2018, chúng tôi sẽ trồng thêm 20 cây thông ở lối đi lên đền thờ Nguyễn Trãi. Chúng tôi cũng trồng thêm một số cây gắn liền với biểu tượng của Phật giáo như bồ đề, sala, ngọc lan, đại…”.
Những năm gần đây, do được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành nên Văn miếu Mao Điền ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) đã được tu sửa và mở rộng quy mô hơn trước. Việc quy hoạch bãi đỗ xe mới và mở rộng đường vào đã tạo ra nhiều khoảng đất trống. BQLDT Văn miếu Mao Điền đã chủ động phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang (Tp. Hải Dương) để trồng thêm cây xanh tại đường vào văn miếu và quanh khu đỗ xe với kinh phí trên 600 triệu đồng.
Văn miếu Mao Điền là biểu tượng của truyền thống hiếu học xứ Đông. Do đó, việc quy hoạch và chọn loại cây để trồng tại đây được BQLDT lựa chọn rất kỹ càng. Các loại cây được chọn thường gắn với hình ảnh các trường học như phượng, bằng lăng… “Chúng tôi đã thành lập một đội gồm 2 người có nhiệm vụ cắt tỉa, dọn cỏ và chăm sóc cây xanh. Ngoài ra, phối hợp với Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương để phun thuốc trừ sâu, tạo thế cho cây cảnh, chăm sóc cây gạo cổ…”, ông Hà Quang Thành, Trưởng BQLDT huyện Cẩm Giàng cho biết.
Đền Bia (Cẩm Giàng) là nơi thờ vị thánh thuốc Nam – thiền sư Tuệ Tĩnh. Từ năm 2016 đến nay, BQLDT đã trồng gần 1.000 cây thuốc nam tại đây. Ông Thành cho biết: “Bên cạnh việc tạo cảnh quan, chúng tôi còn sử dụng các loại nam dược này sắc lên làm nước uống để phục vụ du khách trong dịp lễ hội. Chúng tôi cũng đã quy hoạch được vườn dược liệu trong khuôn viên đền Bia rộng trên 400m2 gồm 9 nhóm thuốc như giải cảm, trị mụn… Thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục trồng thêm cây xanh tại khu di tích để tạo không gian xanh – sạch – đẹp. Tuy nhiên, cây thuốc nam vẫn là cây trồng chủ đạo tại khu di tích đền Bia”.
Nhờ nhiều năm liền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, đoàn thể trồng cây nên phần lớn diện tích đất trống tại di tích đền Tranh (Ninh Giang) đã được phủ kín bởi màu xanh của cây cối. Hưởng ứng Tết trồng cây, năm nào BQLDT đền Tranh cũng trồng mới từ 5 – 10 cây bóng mát tại phía ngoài khu di tích. Hiện tại, BQLDT chú trọng nhiều hơn đến việc chăm sóc cây và bảo vệ môi trường.
Trồng nhiều cây xanh tại các khu di tích có lợi cả đôi đường: không chỉ tạo bóng mát mà còn tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Màu xanh của cây cối hòa với màu rêu phong cổ kính càng làm cho bức tranh phong cảnh ở các khu di tích thêm hữu tình.
Linh Lan