Chiến dịch chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch: Một năm nhìn lại

Cập nhật: 19/03/2018
Nguồn: www.baoquangninh.com.vn
Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã tăng cường công tác chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch, đặc biệt là hoạt động lữ hành đón khách Trung Quốc. Để làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch, trong thời gian tới, Quảng Ninh xác định tăng cường các giải pháp cụ thể với sự quyết tâm vào cuộc của các sở, ngành, địa phương liên quan.

Những biện pháp quyết liệt

Đoàn thanh tra do Sở Du lịch chủ trì kiểm tra hồ sơ kinh doanh tại một khách sạn trên địa bàn TP. Hạ Long. Ảnh: Thu Nguyên

Năm 2017, Sở Du lịch cùng các ngành chức năng, địa phương liên quan đã "mạnh tay" kiên quyết xử lý “vấn nạn” về "tour 0 đồng", các hệ lụy từ “tour 0 đồng”, duy trì tốt các giải pháp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch.

Nổi bật là lực lượng thanh tra chuyên ngành tiếp tục tăng cường chiến dịch chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch, hoạt động lữ hành. Theo đó, Thanh tra Sở Du lịch đã tổ chức trên 30 đợt kiểm tra tại các điểm du lịch, trong đó tập trung vào địa bàn TP. Hạ Long và TP. Móng Cái. Ngoài việc kiểm tra hướng dẫn viên du lịch, Thanh tra Sở và các ngành, địa phương có liên quan đã tập trung vào các điểm cung cấp dịch vụ, đặc biệt là cửa hàng phục vụ khách du lịch. Qua đó, đã xử lý nhiều vi phạm, lành mạnh hóa môi trường du lịch, bảo vệ quyền lợi du khách. Mặt khác, Sở Du lịch đã bố trí cán bộ thường trực 7 ngày/tuần vào các dịp cao điểm tại các điểm tập trung khách để kịp thời giải quyết các khiếu nại của du khách.

Hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được UBND TP. Hạ Long cùng các cơ quan chức năng chủ động và tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm hàng chục vụ vi phạm của các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch và các thuyền viên tàu du lịch. Đối với các địa phương khác như Móng Cái, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí… đã có kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác chấn chỉnh về môi trường kinh doanh du lịch. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, UBND các địa phương, trong năm 2017 đã xử lý nhiều vi phạm, với tổng mức phạt tiền hàng trăm triệu đồng, rút giấy phép kinh doanh của 5 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục kiểm tra làm rõ một số sai phạm.

Cùng với công tác thanh, kiểm tra, công tác vận động và tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp và dân cư cũng đã được tổ chức đồng bộ, kịp thời. Việc phối hợp hợp tác truyền thông đã được tổ chức chặt chẽ và khai thác hiệu quả. Mặt khác, tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch, các Chi hội trong công tác phối hợp quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Theo đó, Sở Du lịch, các ngành chức năng và UBND các địa phương đã cùng Hiệp hội Du lịch thống nhất các các vấn đề về giá, chất lượng dịch vụ..., công bố công khai cho du khách với mục đích ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Đồng thời, công tác phổ biến pháp luật, tổ chức các hội nghị và chương trình tọa đàm với doanh nghiệp để tiếp thu các ý kiến đề xuất, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp được tổ chức định kỳ. Qua đó đã tác động tích cực và thúc đẩy việc vào cuộc của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp quản lý, làm lành mạnh môi trường kinh doanh du lịch. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3147/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”.

Quyết tâm làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch

Bên cạnh kết quả đạt được, môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định, trong đó nổi lên một số vấn đề về giá dịch vụ, hoạt động lữ hành, điểm mua sắm cho khách du lịch... Các tồn tại, hạn chế này do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Trong đó có các vấn đề về nhận thức của một số địa phương, cơ quan và doanh nghiệp về thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong công tác quản lý; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có thời điểm chưa được chặt chẽ, các thông tin chưa được trao đổi kịp thời; công tác đánh giá, rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp quản lý chưa sát với thực tế; hiệu quả của một số giải pháp quản lý chưa cao, thiếu tính bền vững; một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy, hiệu quả của một số “chiến dịch” ra quân chấn chỉnh chưa cao, sau “chiến dịch” các tồn tại lại tiếp tục xảy ra.

Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Hạ Long kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại khu du lịch Bãi Cháy, TP. Hạ Long.

Ảnh: Thu Nguyên

Để tiếp tục làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch, Sở Du lịch đã xác định công tác này là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Theo đó, ngay từ đầu năm 2018, Sở Du lịch đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào các nội dung chính như: Công tác chấp hành các quy định của hướng dẫn viên du lịch, công ty lữ hành và đơn vị cung cấp dịch vụ; tiếp tục triển khai Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 1/11/2017 của UBND tỉnh về công tác khảo sát doanh thu của các cơ sở dịch vụ với mục tiêu “minh bạch” các dòng tiền của các cơ sở bán hàng, công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng... Qua đó có giải pháp quản lý phù hợp, phối hợp với cơ quan quản lý du lịch phía Trung Quốc để thống nhất việc xử lý các vi phạm; phối hợp với Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan trong việc cung cấp các thông tin để kịp thời có biện pháp xử lý, ngăn chặn các vi phạm. Cùng với các biện pháp trên, công tác tuyên truyền thông tin cho khách du lịch và doanh nghiệp du lịch tiếp tục được triển khai, trong đó thực hiện việc in tờ rơi phát cho khách du lịch biết về các thông tin cơ bản khi đến Quảng Ninh…

Bên cạnh các giải pháp thực hiện ở tỉnh, Sở Du lịch và các ngành chức năng tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép Quảng Ninh được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đối với hoạt động du lịch.

Có thể nói, sau một năm nhìn lại, môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã có thay đổi cơ bản, các tồn tại, hạn chế từng bước được đẩy lùi và kịp thời ngăn chặn, hình ảnh du lịch Quảng Ninh tiếp tục nhận được các phản hồi tích cực từ du khách.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch có tính chất liên vùng, liên ngành, xã hội hóa cao và là một ngành kinh tế tổng hợp. Mặt khác, trong quá trình hoạt động và phát triển, hoạt động du lịch sẽ phát sinh những vấn đề mới. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển du lịch và làm tốt công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, cần tiếp tục có sự ủng hộ và vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư.

Năm 2017, ngành Du lịch Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khả quan. Tổng lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh đạt 9,87 triệu lượt, tăng 18%; doanh thu từ khách du lịch đạt trên 17.885 tỷ đồng; tổng mức nộp ngân sách đạt 2.103 tỷ đồng, tăng 34% so với 2016.

Với đà tăng trưởng đó, 3 tháng đầu năm nay, du lịch Quảng Ninh tiếp tục gặt hái những thành công với tổng lượng du khách đến Quảng Ninh ước đạt 4,6 triệu lượt, tăng 21%; khách quốc tế đạt 1,38 triệu lượt, tăng 8%; tổng thu đạt 7.344 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch