Loại bỏ những hình ảnh xấu trong nhiều lễ hội ở Hà Nội

Cập nhật: 19/03/2018
Nguồn: TTXVN
Với 1.206 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước; các lễ hội diễn ra tập trung vào mùa Xuân. Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa và nhân dân, công tác quản lý, tổ chức lễ hội của Hà Nội năm nay có những chuyển biến đáng kể, lễ hội đang dần trở về với những giá trị truyền thống, có sự tiếp biến các nếp sống văn minh của thời nay.

Không còn hiện tượng phản cảm 

Nhiều năm qua, cơ quan chức năng Hà Nội trăn trở với những tập tục đang dần bị biến dạng ở một số lễ hội như cướp lộc hoa tre ở hội Gióng đền Sóc, cướp chiếu ở hội Gióng đền Phù Đổng và năm ngoái là nhà sư tại chùa Hương tung phát lộc cho người dân ngay trong ngày khai hội. 

Bên cạnh đó là các hiện tượng ăn xin, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan, chèo kéo khách, hàng quán lộn xộn… Với những nỗ lực của ngành văn hóa Hà Nội và chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường văn hóa lễ hội, công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm nay đã tạo những dấu ấn ấn tượng. Ghi nhận tại các lễ hội năm nay cho thấy, các hiện tượng phản cảm được hạn chế, người đi dự hội khá hài lòng. 

Trước hết, lễ hội Gióng đền Sóc Sơn có những thay đổi căn bản trong nghi lễ tất lộc (tán lộc), thay vì rước lễ phẩm hoa tre và trầu cau từ đền Thượng xuống đền Hạ và đền Mẫu, sau đó để người dự hội cướp lộc, nay Ban tổ chức đưa thẳng lễ vào hậu cung đền Thượng và phát cho khách theo thứ tự xếp hàng nên hiện tượng tranh cướp lộc không còn xảy ra. 

Hình thức tất lễ mới được các cơ quan quản lý văn hóa và người dân đánh giá cao bởi đây là lần đầu tiên, lễ hội Gióng diễn ra trong không khí yên bình. 

Năm nay, ngày khai hội chùa Hương cũng không còn hiện tượng nhà sư tung lộc phát cho người trảy hội tạo sự lộn xộn, tranh giành nhau như năm trước. Tại hội Gióng đền Phù Đổng, vài năm trước, Ban tổ chức đã đào hào nước ngăn cách khu vực khách đứng xem các trận đánh cờ với khu vực ông Hiệu thực hiện nghi thức đánh cờ, nhằm ngăn chặn việc xô xát, đánh nhau tranh cướp chiếu lộc sau khi ông Hiệu kết thúc hai ván đánh cờ. 

Nhiều lễ hội lớn ở Hà Nội diễn ra từ đầu năm đến nay như Lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội Cổ Loa, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, lễ hội đền Và, lễ hội rước vua giả đền Sái, lễ hội rước ông Lợn La Phù... đã được hạn chế các hình ảnh phản cảm, cơ bản văn minh, lành mạnh. 

Phó giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo ưu tú Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, công tác tổ chức, quản lý lễ hội của Hà Nội đã có nhiều tiến bộ, vừa bảo đảm, quán triệt được những hướng dẫn về tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước đây, có những lễ hội tổ chức cả tuần, nửa tháng, nay đã được rút ngắn lại. Những hiện tượng phản cảm, không phù hợp với lễ hội đã được hạn chế, để tập trung vào những mặt tích cực của văn hóa truyền thống. 

Giảm thiểu đốt vàng mã 

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, đã nhận được sự quan tâm không chỉ những người theo Phật giáo mà của đông đảo người dân. Bởi thực tế, việc đốt vàng mã chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam, đó là chưa kể tới tốn kém tiền bạc của người dân. 

Hiện nhiều lễ hội và các chùa trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản không còn đốt vàng mã, song việc đốt tiền âm phủ vẫn còn. Ghi nhận tại một số chùa ở Hà Nội như Trấn Quốc, Tảo Sách, Vạn Niên, Thiên Niên, tổ đình Phúc Khánh, Quán Sứ… việc đốt tiền vàng được giảm đáng kể. 

Dù những ngày đầu năm, lượng khách đông nhưng các chùa vẫn giữ được sự bình yên, thanh tịnh như vốn có. Riêng tại nhiều cơ sở tín ngưỡng khác như đình, đền, miếu, phủ không thuộc các tự viện của Phật giáo, hiện tượng đốt vàng mã vẫn tồn tại. 

Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật Giáo Hà Nội, Phó Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, tại chùa Hương, nhà chùa không cho phép bất kỳ ai đốt vàng mã trong khu vực chùa, còn tại các điểm tín ngưỡng đình, đền, miếu phủ dù đã được quán triệt nhưng đôi lúc bà con vẫn đốt tiền âm phủ và đốt sớ. 

Ngay từ đầu mùa lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó đề nghị chính quyền cơ sở, Ban quản lý các di tích hạn chế sử dụng vàng mã và tuyên truyền, vận động nhân dân, Phật tử loại bỏ sử dụng vàng mã trong các tự viện là di tích lịch sử văn hóa. 

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, tại nhiều chùa, chính quyền cơ sở, Ban quản lý di tích còn bố trí lực lượng nhắc nhở người dân hạn chế đốt vàng mã, tuyên truyền người dân không thực hiện các việc làm không phù hợp với thuần phong mỹ tục. 

Để việc đốt vàng mã trong các tự viện được loại bỏ triệt để theo đúng đề nghị của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam khẳng định, nếu kiên quyết sẽ làm được và điều này phụ thuộc vào chính những người quản lý di tích. 

Lúc đầu, việc loại bỏ đốt vàng mã có thể vấp phải phản ứng của một bộ phận người dân, nhưng dù mất nhiều thời gian cũng phải tuyên truyền cho người dân hiểu. Để làm được điều này cần sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức, chính quyền địa phương, ban ngành các cấp.

Ngoài ra, muốn giảm hẳn tình trạng đốt vàng mã tràn lan phải có biện pháp hạn chế các làng chuyên sản xuất hàng mã cung cấp cho thị trường; trước mắt cần vận động họ tìm nghề khác thay thế. Bên cạnh đó, để hạn chế việc đốt vàng mã ở tất cả các cơ sở tín ngưỡng như đình, đền, miếu, phủ, các nhà quản lý cần có văn bản quản lý chung cho tất cả các di tích và mở rộng diện thực hiện đến cả các gia đình.