Với mục tiêu đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế trọng điểm, những năm gần đây, tỉnh miền núi Hòa Bình đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và loại hình du lịch văn hóa, du lịch khám phá nói riêng. Thực tế cho thấy, đây đang là hướng đi đúng, hiệu quả và phù hợp với những thế mạnh nổi bật của Hòa Bình…
Đông đảo du khách tham quan tại Đền Thác Bờ (Hòa Bình). Ảnh ĐC
Với vị trí là “cửa ngõ” phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, Hoà Bình được biết đến là tỉnh có nền văn hoá truyền thống lâu đời, với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn và phong phú. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện đang có 64 di tích lịch sử, danh thắng được quyết định công nhận; bao gồm 40 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Hoà Bình còn là cái nôi của cộng đồng người Việt cổ gắn liền cùng các xứ Mường nổi tiếng “Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động” với hàng chục lễ hội cộng đồng dân tộc độc đáo.
Hướng vào khai thác có hiệu quả những tiềm năng nói trên, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Hòa Bình đã kết hợp chặt chẽ giữa tu tạo, bảo vệ và từng bước phát huy tốt giá trị các di tích, danh thắng trong địa bàn. Giá trị văn hoá và tín ngưỡng tại nhiều điểm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đã được khai thác có hiệu quả, điển hình như tại các địa điểm: Bia Lê Lợi, Tượng đài Bác Hồ, Bia di tích quan hệ hữu nghị Việt – Lào ở thành phố Hoà Bình; Động Tiên, Nhà máy in tiền ở huyện Lạc Thuỷ, Hang Luồn ở huyện Yên Thuỷ; Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan ở huyện Cao Phong, Đền thờ Chúa Thác Bờ tại huyện Cao Phong và huyện Đà Bắc...
Cùng với đó, tỉnh Hoà Bình cũng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của các địa phương trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết về xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch Quốc gia vào năm 2020; Nghị quyết về phát triển du lịch Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng tổ chức công bố Quy hoạch điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đến năm 2030. Ngành du lịch đã phối hợp với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu tổ chức khảo sát tuyến du lịch đường thuỷ trên sông Đà. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về các kỹ năng giao tiếp, lễ tân cho các thành viên của Hiệp hội du lịch tỉnh.
Việc đầu tư phát triển du lịch cũng được chú trọng. Theo thống kê, trong 5 năm 2012 - 2015 tỉnh Hòa Bình đã huy động khoảng trên 800 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, trong đó ngân sách Nhà nước trên 50 tỷ đồng; vận động sự tham gia đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào các hoạt động từ thiện và thu hút ngày càng nhiều khách thăm quan, du lịch. Từ năm 2012 đến nay, du lịch Hòa Bình đã thu hút khoảng 9,26 triệu lượt khách tham quan, du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 0,73 triệu lượt người.
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch khám phá lòng hồ thủy điện, Hoà Bình cũng đã nghiên cứu và triển khai mở tuyến du lịch đường thuỷ nội địa tạo điều kiện để thu hút được lượng khách đến thăm quan, du lịch ngày càng nhiều hơn. Ngày 8/7/2015, đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Hoà Bình theo tuyến du lịch đường thuỷ nội địa liên tỉnh do Công ty du lịch Châu Á thực hiện với 20 du khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Australia, Hoa Kỳ, Đức… Đến nay, du lịch khám phá lòng hồ thủy điện và du lịch cộng đồng tại nhiều địa bàn của tỉnh Hòa Bình đang được duy trì thường xuyên với sự tham gia của nhiều công ty lữ hành qua đó giúp Hòa Bình có điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Với những giải pháp thiết thực, tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình trong năm 2017 là trên 2,4 triệu lượt du khách, tăng 9,8% so với năm 2016. Trong đó, khách quốc tế là 260.730 lượt người, khách nội địa đạt trên 2,2 triệu lượt; doanh thu từ du lịch đạt 675,544 tỷ đồng, thu nhập du lịch đạt gần 1.216 tỷ đồng.
Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, phát triển du lịch văn hóa, du lịch khám phá nói riêng đã góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; từ đó giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện để gắn phát triển du lịch với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.
Được biết, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Hoà Bình đã quy hoạch tổng thể đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2020, du lịch tỉnh Hòa Bình tiếp tục giữ vững là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 có được hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa Hòa Bình, thân thiện với môi trường; đưa Hòa Bình trở thành điểm hấp dẫn của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch khoảng 3.327.000 lượt người, đến năm 2025 đạt 4.886.000 lượt người và đến năm 2030 đạt 7.292.000 lượt người. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2020 đạt 2.488 tỷ đồng, đạt 5.364 tỷ đồng năm 2025 và 10.927 tỷ đồng vào năm 2030. Đến năm 2030 ngành du lịch tạo việc làm cho gần 47.000 lao động. Tổng nhu cầu đầu tư đến năm 2030 khoảng 23.173 tỷ đồng…
Để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, thân thiện với môi trường, đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Trong đó, chú trọng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch khám phá gắn với du lịch nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng chất lượng cao. Tập trung xây dựng điểm du lịch Mai Châu đạt các tiêu chí là “Điểm du lịch quốc gia” vào năm 2020. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch qua đó đưa du lịch Hòa Bình đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.
Quang Đạo - Đoàn Cần